Ngày 17.4 tới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức lễ tiếp nhận và trưng bày cổ vật đấu giá do Tập đoàn Sunshine hiến tặng gồm Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Một bộ cổ vật hoàn chỉnh
Chiếc mũ là loại mũ phốc tròn của quan văn, toàn thân kết bằng đuôi ngựa theo kiểu “kết kép” - dùng hai lông đuôi bện thành một dây để kết.
Toàn bộ họa tiết trang sức trên mũ đều làm bằng kim loại vàng.
Mặt trước phía trên là một bác sơn, điêu khắc mô tuýp dây cúc hóa xung quanh, lưỡng long chầu nhật (cúc hóa nhật). Tiếp đến ở khu vực trung tâm cũng là 2 hoa cúc (hóa nhật, giữa đóa cúc có đính viên thủy tinh chạm lục lăng), hai bên hoa cúc chính diện là 2 con rồng chầu vào. Phần dưới cùng cũng là một họa tiết bác sơn với mô tuýp lưỡng long triều nhật (cúc hóa nhật, hoa lá hóa long).
Hai bên trang trí hai “kim khóa nhãn” mô tuýp lá hóa rồng. Tiếp đó là hai cánh chuồn, đầu cánh chuồn trang trí cúc hóa rồng ngang, thân cánh chuồn trang trí hình rồng.
Đi kèm chiếc mũ là chiếc hộp đựng sơn son thếp vàng. Hộp hình chữ nhật đứng, quai hộp là “bồ lao” hai đầu rồng chạm trổ thếp vàng. Chân đế chạm hồi văn, dây lá cũng chạm trổ thếp vàng.
Bốn mặt bốn bên hộp vẽ mô tuýp tứ linh (long, lân, quy, phụng), ở mặt vẽ long, phụng xung quanh có chạm gờ nổi, vẽ trang trí thêm thành hình khung, tạo sự trang trọng của 2 vật linh này. Đây cũng là một cổ vật rất tinh xảo, cùng với chiếc mũ tạo ra một bộ cổ vật hoàn chỉnh.
Cùng với Mũ quan đại thần là chiếc áo dài Nhật bình thời Nguyễn, cũng được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công với giá 160.000 Euro.
Quy định về trang phục của các bà, trong Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ có như sau: “Cung tần bậc 3: Mũ 3 con phượng, cặp tóc bằng vàng 1 cái, trâm hoa 8 cái. Áo sa sợi to sắc tía chính, đệt đoàn loan nhật bình 1 chiếc (tập VI, tr.128).
Căn cứ vào màu sắc, kiểu dáng, họa tiết có thể thấy rằng, chiếc áo trên là trang phục dành cho các cung tần bậc 3 (cung tần bậc 3 có sự thay đổi qua các triều, đến triều Tự Đức thì gồm Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần và Thái tần) theo quy định về y phục của triều Nguyễn. Đây là chiếc áo còn nguyên vẹn và khá hoàn chỉnh.
Chiếc mũ quan văn thời Nguyễn còn nguyên vẹn nhất
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: “Tất cả những chiếc mũ tương tự ở Việt Nam hiện nay, kể cả hai chiếc đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chỉ là mũ phục chế, thậm chí mô phỏng” và đây là chiếc mũ quan văn thời Nguyễn còn nguyên vẹn nhất mà ông nhìn thấy được từ trước tới nay.
Nhà nghiên cứu và phục chế cổ vật Vũ Kim Lộc - người từng phục chế rất nhiều mũ quan tương tự ở Việt Nam - phân tích: Vấn đề thừa chi tiết về trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thừa đến 2 giao long, trường hợp này thật hi hữu, phản ánh một đặc ân chưa có tiền lệ.
So sánh đến gần 100 cái mũ qua ảnh tư liệu về các vị quan, chiếc mũ đấu giá gần giống với chiếc mũ mà cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955) là Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn (1933-1945) từng đội.
Về sau cụ Bùi Bằng Đoàn là Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I (1946-1955).
Qua phân tích từ ảnh tư liệu, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cho biết thêm: Có một bức ảnh về một vị quan triều Nguyễn được chụp vào cuối thời vua Bảo Đại, cho thấy phía sau chiếc mũ của vị quan này cũng có 2 giao long chầu hoa rất giống chiếc mũ này, và các hoa trên mũ cũng được bố cục trong một vòng tròn.
Vì vậy, chiếc mũ đấu giá ở đây có lẽ cũng cùng thời với bức ảnh nêu trên (nghĩa là thời Bảo Đại). Đây cũng là chiếc mũ quan văn từ chánh nhất phẩm trở lên…