Ngày 22.4 (tức mùng 3.3 âm lịch), UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương năm 2023.
Tham dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, Thượng tọa Thích Minh Tuấn - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Thạch Thất, các xã, thị trấn trên địa bàn, cùng hàng nghìn người dân trong và ngoài huyện Thạch Thất về chùa lễ phật, trẩy hội.
Lễ hội chùa Tây Phương là nét đẹp văn hóa truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương.
Việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.
Phát biểu khai mạc lễ hội chùa Tây Phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, trong không khí tưng bừng của lễ hội chùa Tây Phương, truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư được nhân rộng và lan tỏa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, góp phần xây dựng huyện Thạch Thất phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đô thị xanh.
Theo Ban tổ chức, lễ hội truyền thống chùa Tây Phương được tổ chức với quy mô cấp huyện. Thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 20 đến hết ngày 29.4 (từ ngày 3 đến hết ngày 10.3 âm lịch).
Bên cạnh phần lễ ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ Phật của người Việt Nam, phần hội là sự kết hợp những nét văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời qua nhiều hoạt động tiêu biểu như: giao lưu văn nghệ quần chúng, các chương trình nghệ thuật dân gian múa rối nước, đi cà kheo, hát chèo…
Trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội sẽ có nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài như là kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… Các nghi thức cúng phật cũng sẽ được tổ chức trang nghiêm như lễ mộc dục, chạy đàn, tụng kinh,…
Đồng thời, tại lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Đồ gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu; cơ kim khí xã Phùng Xá; nhà kẻ chuyền gỗ xã Hương Ngải; quạt xã Chàng Sơn; mây giang đan xã Bình Phú; chuồn chuồn tre, chè lam, bánh tẻ xã Thạch Xá; chè kho xã Đại Đồng…