Tản mạn về một phong tục thời chưa xa

nguyễn hữu giới |

Hơn ba thập kỷ của thời kỳ đổi mới vừa qua (1986 - 2018), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế đất nước ta ngày càng phát triển đi lên. Của cải, vật chất trong xã hội được làm ra ngày một nhiều hơn. 

Chủ quan mà nói: Vẫn còn quá sớm để cho rằng hàng hoá nước ta hiện nay sắp có nguy cơ bị “khủng hoảng thừa”, nhưng rõ ràng là, từ hơn chục năm trở lại đây, để góp phần kích thích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách có hiệu quả, Chính phủ ta đã phải dùng nhiều giải pháp kích cầu nhằm tạo đà tích cực nâng sức mua của người dân trong xã hội (điều này đồng nghĩa với việc kích thích sản xuất hàng hóa cho toàn bộ nền kinh tế). Ngày nay, không chỉ ở thành phố mà ở cả những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đã có một bộ phân dân cư khá giả nghĩ tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình và gia đình. Họ đã và đang phấn đấu cho mục tiêu "ăn ngon, mặc đẹp, sài sang", chứ không chỉ dừng lại ở mức "ăn no, mặc ấm", "ăn chắc, mặc bền" như ngày xưa nữa. Thế là mừng, mừng vì đất nước ngày càng đổi mới, phát triển đi lên.

Những ngày cuối năm này, bỗng dưng tôi lại nhớ về một thời chưa xa lắm - mới chỉ vài chục năm trước, khi nền kinh tế còn ở thời bao cấp. Để dồn sức người, sức của cho chiến tranh cứu nước, giải phóng dân tộc, mọi thứ nhu yếu phẩm thiết yếu cho con người đều phải phân phối từ: Gạo, thịt, mắm, muối... đến vải vóc, đường, sữa, dầu đèn.v.v... thì việc phấn đấu để vào ngày 30 tháng Chạp (30 Tết) hàng năm, mỗi nhà, mỗi người, từ già đến trẻ đều có "nhu yếu phẩm” cần thiết đón Xuân mới, để ăn Tết như: Gạo nếp, lá dong, thịt lợn, rượu, mứt, kẹo... không chỉ là nỗi lo chung của Nhà nước và các cấp chính quyền, công đoàn, mà còn là nỗi lo riêng của mỗi nhà và mỗi người.

Người dân quê tôi cũng vậy, để có được dăm, bảy hoặc mươi cân thịt lợn ăn Tết, bà con nông dân cũng đã duy trì và áp dụng một nét đẹp đã có từ lâu trong cộng đồng làng xã: Đó là "ăn đụng" ngày Tết. Vâng! Sự thật là ở thôn quê Việt Nam nói chung - quê tôi vùng Kinh Bắc nói riêng - nhà nào cũng nuôi 1 - 2 con lợn trong chuồng. Nhưng với điều kiện kinh tế của thời kỳ bao cấp đó, có phải ai cũng dám nghĩ tới việc thịt cả con lợn của mình đang nuôi mà ăn Tết? Như vậy là lãng phí và cũng không đủ sức (vì kinh tế thời đó còn nghèo lắm mà!). 

Thế nên, vài ba, bốn nhà rủ nhau "ăn Tết" (ngôn ngữ dân gian) chung một con lợn. Thường thì họ chọn con lợn nào ngon ngon, ít mỡ, nhiều nạc, khoảng 40 - 50 cân “móc hàm” là vừa (thích nhất là giống lợn ỉ, lợn Móng Cái, lợn Lang hồng). Vào những ngày giáp Tết, khoảng từ 27 đến 30 tháng Chạp, mới sớm tinh mơ chưa tỏ mặt người, ta đã nghe tiếng lợn kêu eng éc trong làng, trong xóm. Tỉnh dậy ngó sang bên đã thấy mấy người đang lúi cui làm thịt lợn để chia Tết. Trên một góc sân có trải mấy tàu lá chuối, một hai thanh niên thạo việc đang pha thịt, lọc xương. Cái cân để chia phần được nâng lên, hạ xuống liên tục. Người ta xuýt xoa khen miếng thịt này ngon quá, để đem giã giò, nướng chả; miếng xương kia lọc kỹ quá, thôi để ninh măng..., cứ như vậy, cái cân và con dao bầu được làm nhiệm vụ của mình, theo bàn tay của người tài hoa và nhanh nhẹn của người “ba toa, đồ tể”. Tôi để ý thấy đám trẻ con thì tranh nhau xin cái bong bóng, di di vào tro bếp (cho mỏng dần đi) để thổi đem chơi và cười đùa thích thú lắm. Khi cỗ lòng vừa được luộc xong, khói còn đương bốc lên nghi ngút, chủ nhà đã sốt sắng gọi mọi người mang rổ, rá lại chia phần. Tiếng cười, tiếng nói râm ran trong không khí se lạnh và thật thanh bình của những ngày áp Tết, đầu Xuân. 

Thế là dù không phải thịt lợn của nhà (và dẫu rằng chẳng có tiền ngay, cần nhớ rằng thời đó tiền mặt cũng khá khan hiếm), thì bằng cách ấy, mọi người dân quê tôi đều có thịt lợn để ăn Tết. Còn việc thanh toán ư? Cũng đơn giản như khi “ăn đụng” vậy. Nghĩa là ai có tiền ngay thì tính giá thị trường lúc ấy mà trả, còn ai chưa có thì cứ việc chịu đến “ra Giêng” (tháng Giêng, tháng Hai). Và đã là bà con, hàng xóm, họ hàng nội ngoại, thì vài, ba tháng sau trả bằng tiền hay bằng thóc cũng được. Thậm chí, có khi chờ đến dịp khác, họ lại mời chính những người đã cho mình “ăn đụng” lần này, cùng chung nhau “ăn đụng” khi lợn nhà mình nuôi đã có thể “xuất chuồng”.

Ngày nay thời buổi kinh tế thị trường, ở quê tôi và nhiều vùng quê khác, để chuẩn bị thực phẩm thịt lợn cho ba ngày Tết, nhiều người dân đã nghĩ ngay đến chợ. Ra chợ bây giờ cái gì mà chẳng có. Thịt ngon, giò, chả, nem, mực, bánh chưng, mứt, kẹo ư? Tóm lại thượng vàng hạ cám có cả (thậm chí chỉ cần một cú “telephone” cho các nơi cung cấp dịch vụ trên địa bàn, thì vài tiếng sau mọi thứ cho việc sắm sanh ngày Tết sẽ được chu tất, chủ nhà chỉ chi tiền ra là OK, đầy đủ cả).       

Thế nên, bây giờ người ta không còn rủ nhau “ăn đụng” thịt lợn Tết như xưa nữa và tập quán tốt đẹp ấy cũng đang mai một dần đi. Bình tâm mà xem xét, tôi nghĩ việc “ăn đụng” ngày Tết ở làng quê Việt năm xưa là một phong tục hay và đẹp: Nó vừa là mối quan tâm giúp đỡ nhau giữa bà con chòm xóm, họ mạc, nhất là với những người nghèo không có tiền ăn Tết, vừa thể hiện tình cảm thương yêu đùm bọc “tối lửa tắt đèn” có nhau của người dân nông thôn Việt Nam. Nói rộng ra, nó bao trùm cả một tinh thần nhân văn cao đẹp trong ý thức sinh hoạt cộng đồng của người dân Việt.

Nhân ngày cuối năm 2018, vui kể lại câu chuyện “ăn chung/ăn đụng” thịt lợn ngày Tết xưa, chắc có nhiều bạn trẻ hôm nay nghĩ rằng tôi bịa ra cho vui (hay họ cho tôi là người hoài cổ!) Và nếu thực sự câu chuyện trên đã đi vào “cổ tích”, đi vào dĩ vãng, thì tôi vẫn thấy hơi tiêng tiếc và nghĩ rằng, đó là một phong tục hay và đáng nhớ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

nguyễn hữu giới
TIN LIÊN QUAN

Đặc sắc phong tục cưới hỏi của đồng bào Cơ Tu

ĐỖ VẠN |

Như mọi dân tộc khác, với người Cơ Tu, hôn nhân không chỉ là sự kiện quan trọng cả đời cô dâu, chú rể mà còn là của cả buôn làng. Nghi thức cưới hỏi của người Cơ Tu là một tập tục thể hiện sự tinh tế và độc đáo của những người con của đại ngàn Trường Sơn.

Infographic: Những phong tục truyền thống ngày cuối năm bạn nhất định phải làm

Văn Thắng |

Tết đến, Xuân về là dịp người Việt khắp nơi nô nức hân hoan đón chào. Đây là dịp sum họp cả gia đình, người thân cùng nhau tận hưởng không khí xuân bên mâm cơm ấm cúng. Mỗi địa phương lại có những phong tục Tết khác nhau. Hãy cùng Báo Lao Động tìm hiểu những phong tục độc đáo vào ngày cuối năm của người Việt trên mọi miền đất nước.

Những phong tục đón tết không giống ai của các nước

D.H (T/H) |

Mỗi quốc gia có một phong tục đón tết độc đáo với mong muốn cầu mong may mắn, an lành cho gia đình nhân dịp năm mới.

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

‘Sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng nhân dân’

CÔNG SÁNG |

Chính quyền, cán bộ các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là công tác sơ tán, bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Quảng Bình còn 10 thôn chia cắt, không còn hộ dân bị ngập

CÔNG SÁNG |

Tính đến 10h ngày 21.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn 10 thôn, bản bị chia cắt, không hộ dân nào bị ngập.

Sở Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân tử vong ở phòng khám

BẢO TRUNG |

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị xác minh ngay vụ việc 1 bệnh nhân tử vong sau khi thăm khám tại một phòng khám tư.

2 ôtô va chạm khiến 2 người đi xe máy tử vong

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 8 giữa 2 ôtô tải với 1 xe máy khiến 2 người trên xe máy tử vong.

Đặc sắc phong tục cưới hỏi của đồng bào Cơ Tu

ĐỖ VẠN |

Như mọi dân tộc khác, với người Cơ Tu, hôn nhân không chỉ là sự kiện quan trọng cả đời cô dâu, chú rể mà còn là của cả buôn làng. Nghi thức cưới hỏi của người Cơ Tu là một tập tục thể hiện sự tinh tế và độc đáo của những người con của đại ngàn Trường Sơn.

Infographic: Những phong tục truyền thống ngày cuối năm bạn nhất định phải làm

Văn Thắng |

Tết đến, Xuân về là dịp người Việt khắp nơi nô nức hân hoan đón chào. Đây là dịp sum họp cả gia đình, người thân cùng nhau tận hưởng không khí xuân bên mâm cơm ấm cúng. Mỗi địa phương lại có những phong tục Tết khác nhau. Hãy cùng Báo Lao Động tìm hiểu những phong tục độc đáo vào ngày cuối năm của người Việt trên mọi miền đất nước.

Những phong tục đón tết không giống ai của các nước

D.H (T/H) |

Mỗi quốc gia có một phong tục đón tết độc đáo với mong muốn cầu mong may mắn, an lành cho gia đình nhân dịp năm mới.