Nếu không đảm bảo an toàn, nên dừng tổ chức!
Trâu húc bay hàng rào, lao vào khu vực khán giả, tấn công người… không phải chuyện hiếm gặp ở các lễ hội chọi trâu, nhưng sự cố trâu húc chết chủ ở Đồ Sơn là lần đầu tiên xảy ra. Trong đoạn video ghi lại màn “rượt đuổi” giữa “ông trâu” và chủ trâu (ông Đinh Xuân Hưởng), khi chủ bị trâu húc lần đầu tiên đã nhổm dậy quát lại trâu chọi. Rồi tiếng hò hét ở khán đài, chiêng trống ầm ĩ, người chủ chưa nhanh chân chạy ra ngoài, người của BTC chưa kịp ứng phó, con trâu bị kích động hơn nữa, tiếp tục lao tới tấn công người chủ.
Dù BTC Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) khẳng định đã chuẩn bị hết sức chu đáo, nhưng sự cố đáng tiếc này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong khâu tổ chức, xử lý tình huống, cũng như trang bị các kỹ năng an toàn cần thiết cho các chủ trâu.
Chia sẻ về vụ việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, BTC Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có động thái chậm trong việc truy bắt con trâu ngay khi nó vừa gây án. “Điều quan trọng nhất trong việc tổ chức lễ hội là đảm bảo an ninh, an toàn, đặt tính mạng con người lên trên hết” - bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cũng cho rằng quy chế của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn lỏng lẻo. Trong quy chế chưa ghi rõ phần trách nhiệm của BTC, chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố. Hơn nữa, qua kết quả khảo sát của đoàn thanh tra Bộ VHTTDL ngày 2.7, các hàng rào của sới đấu không đủ an toàn với lực húc của một con trâu chọi.
Bộ VHTTDL đã có công văn khẩn cấp đề nghị “trong trường hợp công tác chuẩn bị chưa đảm bảo an toàn theo quy định thì tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017”. UBND TP Hải Phòng cũng giao Sở VHTT kiểm tra, rà soát công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, yêu cầu quận Đồ Sơn tạm dừng lễ hội, kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18 cũng như các trâu khác tham gia vòng đấu loại và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong lễ hội, báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục về UBND TP trước ngày 4.7.2017.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kiểm tra thực tế tại nơi diễn ra Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Ảnh: CTV |
Chặn “biến tướng” lễ hội thế nào?
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 - phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, năm nay Bộ yêu cầu các địa phương hạn chế tối đa những hình ảnh bạo lực, phản cảm, cam kết tổ chức lễ hội văn minh.
Tín hiệu tốt là từ đầu năm 2017 đến nay, 90 làng đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) đã nói không với lễ đâm trâu. Lễ hội ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không còn cảnh chém lợn giữa sân đình như trước, tỉnh Yên Bái tuyên bố bỏ tục treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông. Bộ VHTTDL cũng kiên quyết không cấp phép lễ hội chọi trâu mới, nhằm ngăn chặn những biểu hiện biến tướng, như kinh doanh thịt trâu, cá cược…
Năm nay, chỉ có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ cấp phép tổ chức, vì đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu trước đây, những lễ hội có nghi lễ hiến sinh, chọi trâu bị chỉ trích vì phản cảm, dã man với con vật, thì nay nó còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Sau sự cố ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần “dẹp” những lễ hội phản cảm, “mạnh tay” với những biểu hiện biến tướng trục lợi từ lễ hội.
Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng, công tác quản lý còn yếu kém mới dẫn đến vụ việc đáng tiếc trên, còn lễ hội không có gì là xấu, phù hợp với tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương, lưu trữ những giá trị lịch sử hàng trăm năm, không thể vì sự cố mà dừng lễ hội đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ hội đã ăn vào máu thịt của chúng tôi biết bao đời nay, như một phần không thể thiếu của nhân dân Đồ Sơn mỗi khi nhắc đến ngày 9.8 âm lịch. Chỉ một sự cố hy hữu mà dừng cả lễ hội thì thật không nên” - một người con của Đồ Sơn chia sẻ.
Cũng có một thực tế, dù là lễ hội chọi trâu truyền thống, nhưng hiện tại ít người biết giá trị của lễ hội là gì, ngoài hình ảnh những chú trâu chọi lao vào nhau chiến đấu, bị chê là mang tính bạo lực. Về thực tế này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thẳng thắn nhìn nhận là do sai sót của BTC lễ hội, vì quá chú trọng phần chọi trâu, nhằm thu lợi từ bán thịt trâu chọi giá cao.
Đại diện Bộ VHTTDL cũng chủ trương sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu hơn về giá trị của lễ hội, đồng thời yêu cầu Sở VHTTDL Hải Phòng tham mưu cho UBND TP và UBND quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, để vừa giữ được di sản mà vẫn đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia.
Tạm dừng lễ hội - yêu cầu kiểm tra chất kích thích tất cả các trâu
UBND TP. Hải Phòng đã quyết định tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017; yêu cầu UBND quận Đồ Sơn kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18, các trâu khác tham gia vòng đấu loại và công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội. Đồng thời, báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục hậu quả của sự việc nêu trên về UBND Thành phố để tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy, Bộ VHTTDL trước ngày 4.7.2017 theo quy định.
Giáo sư - nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm: “Chúng ta chưa nên đặt vấn đề bảo tồn hay xóa bỏ vào lúc này. Điều cần thiết trước mắt là lý giải và cung cấp đầy đủ thông tin về những nghi thức chém lợn, đâm trâu, chọi trâu cho người đến xem, để họ nhìn nhận từ góc độ của chính cộng đồng bản địa, chứ không nhân danh bất cứ điều gì khác để áp đặt, gán ghép các ý nghĩa, cảm xúc từ bên ngoài”.