Lễ hội chọi trâu ngày càng “biến tướng”
Lễ hội thường gắn liền với phong tục tập quán của một cộng đồng hay cả một dân tộc. Cả nước hiện nay có trên 8.000 lễ hội - được xem như “kho báu”, di sản văn hóa mà cha ông đã để lại. Nhưng phải thừa nhận, bên cạnh việc mang lại những giá trị tốt đẹp, lễ hội bây giờ cũng xô bồ, bị biến tướng để trục lợi.
Biểu hiện biến tướng nhiều nhất là ở lễ hội chọi trâu. Có thời gian, các nơi đua nhau tổ chức để kinh doanh thịt trâu chọi. Hai năm nay, những lễ hội kiểu này bị lên án mạnh mẽ. Nhiều người gay gắt cho rằng, những lễ hội này man rợ và mang tính bạo lực, khi lùa những con trâu ra sới đấu, những tiếng khô khốc chạm vào nhau, rồi cả trâu thắng và trâu thua đều mang ra giết thịt công khai.
Phần lớn lễ hội chọi trâu ở miền Bắc đều để lại những cảnh gây lo sợ cho khán giả. Ảnh: Zing. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền chỉ ra rằng, việc tổ chức lễ hội chọi trâu bây giờ ngày càng khác xưa. Tính bạo lực của lễ hội xuất phát từ những người làm công tác hành lễ. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu, cố tình bóp méo, khiến lễ hội bị biến tướng sang một màu sắc khác, mang đậm tính “thương mại”.
“Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng từng gắn liền với ý nghĩa phản ánh về thủy triều, để cầu sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Trước đây, ở lễ hội chọi trâu, chỉ có con trâu thắng cuộc được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Nhưng bây giờ người ta lại gắn với tinh thần thượng võ, mang tính kích động bạo lực, nhằm mục đích kinh doanh thịt trâu chọi. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của nguyên bản lễ hội” – GS Trần Lâm Biền khẳng định.
GS-TS Nguyễn Đức Ninh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) cũng cho rằng, chúng ta không nên cổ xúy cho hành động kích động bạo lực. Ngày nay, lễ hội ở nhiều nơi đã bị biến tướng, bị thương mại hóa, như một hình thức kinh doanh yếu tố tâm linh.
Gây nguy hiểm cho tính mạng con người
Ở Việt Nam hiện nay, có một số lễ hội được thế giới biết đến, nhưng theo cách bị lên án vì yếu tố bạo lực, đổ máu, sát hại con vật. Tổ chức Động vật Châu Á từng kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vì cho đây là lễ hội tàn bạo. Họ cũng phản đối lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và chọi trâu ở một số địa phương của Việt Nam, vì cho rằng có sự sát hại con vật một cách dã man.
Người dân, ban tổ chức đều chủ quan trước những con vật bất đắc dĩ bị lùa vào sới đấu, dễ trở nên hung hãn. Ảnh: T.L |
Hai năm qua, việc “giữ hay bỏ các lễ hội đâm trâu, chém lợn, chọi trâu” cũng liên tục được đưa ra, với nhiều tranh cãi. Dân làng nơi tổ chức lễ hội một mực muốn giữ tập tục cũ, vì với họ đó là truyền thống, là tâm linh. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội học thì cho rằng, nếu để tồn tại hình ảnh lễ hội phản cảm như vậy, chẳng khác nào cổ vũ cho sự hung hăng và hành vi bạo lực.
Hơn nữa, sự việc trâu chọi húc chết chủ trong lễ hội ở Hải Phòng một lần nữa đặt ra vấn đề có nên duy trì lễ hội bạo lực hay không? Bởi nó không chỉ có những hình ảnh phản cảm vì hành hạ con vật, mà còn nguy hiểm tới tính mạng con người. Nhất là khâu tổ chức của các lễ hội chọi trâu ở Việt Nam lâu nay chưa đảm bảo an toàn cho chủ trâu và người tham gia lễ hội...
Hiện nay, một số lễ nơi ở Tây Nguyên, sau khi được tuyên truyền, người dân đã tình nguyện không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong các lễ hội truyền thống. Nghi thức treo trâu đến chết ở đền Đông Cuông (Yên Bái) từng gây bức xúc dư luận cũng được thay thế bằng hình thức mổ trâu ở nơi kín đáo để tế thần. Với các lễ hội chọi trâu, Bộ VHTTDL đã có chủ trương không cấp phép tổ chức cho những lễ hội không có tính truyền thống, tổ chức với mục đích kinh doanh, trục lợi.
Với lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng cũng nên nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức, thay vì chú trọng phần hội như hiện tại thì nên đề cao phần lễ, để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của di sản, thay vì cổ xúy cho những hình ảnh bạo lực, nguy hiểm đến tính mạng con người.