Cụ thể, ông Tuấn cho biết: “Ông Dato Hamidin - Tổng thư ký Hiệp hội bóng đá Malaysia đã trao đổi và thông báo với tôi rằng sẽ áp dụng thể thức bốc thăm bóng đá như SEA Games tại Singapore. Chủ nhà và đội vô địch sẽ nằm ở 2 bảng đấu khác nhau. Còn sau đó, các cặp bốc thăm tiếp theo sẽ xác định dựa trên thứ tự bảng xếp hạng thế giới”.
Trước đó, khi nhận được sự phản ứng mạnh mẽ của truyền thông và các liên đoàn bóng đá thành viên AFF, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Malaysia - Sieh Kok Chi đã đưa ra lý do bao biện là trước đây một số nước chủ nhà cũng được quyền chọn bảng đấu môn bóng đá nam, trong đó có Việt Nam (SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam). Tuy nhiên, ở thời điểm đó chỉ có 8 đội tham dự môn bóng đá nam nên các bảng đấu đều cân bằng về số đội và không chênh lệch quá lớn về trình độ.
Tại cuộc họp lần thứ 11 của Hội đồng AFF diễn ra hôm 1.7, VFF đã có ý kiến chính thức với Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), phản đối nước chủ nhà Malaysia tự chọn bảng đấu ở SEA Games 29 và nhận được sự đồng thuận cao từ phía AFF cũng như các liên đoàn bóng đá thành viên.
Như vậy, U22 Malaysia và đội vô địch Thái Lan thuộc nhóm hạt giống số 1 sẽ được tách vào 2 bảng. Tiếp đó, các đội còn lại căn cứ vào thứ hạng được chia thành các cặp để bốc thăm vào các bảng đấu. Điều này đồng nghĩa với khả năng Việt Nam và Myanmar sẽ không nằm cùng bảng do cùng thuộc nhóm 2 (Myanmar giành HCB và Việt Nam giành HCĐ tại SEA Games 28). Tương tự như vậy, các đội còn lại gồm Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia, Timor Leste, Philippines và Brunei cũng sẽ được phân nhóm căn cứ vào thứ hạng tại kỳ SEA Games trước khi bốc thăm vào 2 bảng đấu.