Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố không nên quá kỳ vọng vào đó để giảm ùn tắc giao thông cho đường bộ, bởi loại hình này có nhóm đối tượng riêng. Khách hàng chủ yếu là những người đi lại không cần nhanh, đặc biệt lượng khách đi lại nhiều vẫn là khách du lịch.
Xếp hàng chờ trải nghiệm buýt đường sông
Đứng từ xa trên công viên Bạch Đằng (Q.1), người ta dễ dàng nhìn thấy chiếc tàu buýt nổi trội với màu vàng bắt mắt đậu dưới sông Sài Gòn. Phía trên là khu vực nhà chờ được thiết kế thân thiện với màu trắng chủ đạo. Cầu dẫn từ nhà chờ xuống tàu cũng được trang trí tinh tế tạo cảm giác nhẹ nhàng mà an toàn cho người dân khi đặt chân lên tàu. Bên trong con tàu cũng được lắp đặt hệ thống trang thiết bị hiện đại.
Dài 10,8km, tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông có 5 tàu chở khách, sức chở mỗi tàu 75 hành khách. Chủ đầu tư sẽ vận chuyển hành khách miễn phí trong 10 ngày đầu để khuyến khích người dân đi lại bằng đường thủy.
Bên cạnh đó, là tuyến buýt đường sông đầu tiên trên cả nước, chính vì vậy, những ngày qua nhiều người dân thành phố rất háo hức, mong đợi được đi thử loại hình giao thông công cộng này. Tuy nhiên, do thời gian đầu chủ đầu tư chỉ chạy 12 chuyến/ngày nên chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm buýt sông của người dân, nhiều người phải quay về vì hết vé.
Từ sáng sớm ngày 26.11, chị Phan Kim Lan (Q.11) cùng con gái tới bến Bạch Đằng để đi buýt sông trải nghiệm ngày cuối tuần, nhưng khi đến nơi được nhân viên thông báo hết vé buổi sáng, muốn đi buýt sông phải chờ tới chiều.
“Con tôi mong từ hôm qua tới giờ không ngủ. Hai mẹ con đi xe buýt lên đây thì không được đi tàu vì hết vé” - chị Lan nuồn bã nói. Tương tự, chị Lan Anh (Q.Tân Bình) cho biết xem trên báo, tivi biết thông tin từ ngày 26.11 tuyến buýt sông sẽ chính thức chở khách nên sắp xếp đưa gia đình, con em lên quận 1 để được đi tàu. Mặc dù chị Lan Anh cùng 5 người trong gia đình đã xếp hàng từ sáng sớm tại bến Bạch Đằng nhưng hết vé và được hẹn quay lại lúc 14h50 sẽ có vé đi.
Tuy nhiên chiều cùng ngày, chị Lan Anh và người thân quay lại bến tàu thì được nhân viên bán vé thông báo do đến trễ 5 phút nên vé đăng ký hẹn đã bán cho người khác. “Vấn đề không phải là không thu phí, mà người dân háo hức muốn đi nhưng không được” - chị Lan Anh bức xúc.
Trong khi đó, anh Đức (Q.Tân Bình) và người bạn may mắn có được tấm vé đi tàu buýt sông từ bến Bình An (Q.2) đến bến Bạch Đằng. Sau 20 phút vi vu trên tàu buýt sông, khi về đến bến tàu Bạch Đằng, anh Đức và bạn mua vé về lại bến Bình An thì nhân viên thông báo hết. Để về lại nơi xuất phát, anh Đức và bạn phải đi taxi hết 100.000 đồng.
Bên cạnh nhiều người phải quay về vì hết vé, những hành khách có vé lên tàu và trải nghiệm buýt sông đều đánh giá cao loại hình vận tải mới này. Bà Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, Q.Bình Thạnh) cho biết, với buýt sông đầu tiên của TPHCM, dù là hình thức vận tải hành khách công cộng với giá vé thấp nhưng đem lại cảm giác an tâm và thoải mái.
“Tàu buýt nhưng tôi có cảm giác như mình đang ngồi trên tàu du lịch cao cấp với ghế tựa, máy lạnh và ngắm cảnh Sài Gòn hai bên bờ sông rất đẹp. Dù giá vé 15.000 đồng mỗi chuyến hơi cao so với xe buýt nhưng tôi nghĩ nó hoàn toàn hợp lý, khi ngồi trên tàu bạn có thể thư thả ngắm cảnh sông nước, không phải chịu cảnh chen chúc, chật chội và khói bụi như đi đường bộ”- bà Thanh nói.
Đừng quá kỳ vọng buýt đường sông giúp giảm kẹt xe
Ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM - cho biết, TPHCM có lợi thế với hơn 1.000km tuyến đường thủy nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Tuyến buýt sông số 1 đưa vào hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông.
Thực tế hiện nay giao thông công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó chủ yếu là xe buýt và taxi. Vì vậy, TPHCM đang phấn đấu đến năm 2020, loại hình vận tải công cộng sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi ước tính chiếm 17%, 3% còn lại là loại hình vận tải như metro và buýt đường sông.
Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng, việc mở các tuyến buýt đường sông là cần thiết để đa dạng hóa loại hình đi lại. Tuy nhiên thành phố cần xác định lại mục tiêu, không nên đặt ra cho buýt đường sông là kéo giảm ùn tắc cho đường bộ bởi tính khả thi không cao. Ông dẫn chứng tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh, nhất là nằm sát bên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Còn tuyến số 2 (Bạch Đằng - Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Lò Gốm) cũng có trục đường Võ Văn Kiệt chạy dọc theo. Các tuyến đường bộ dọc theo các tuyến buýt đường sông đều thông thoáng, ít kẹt xe nên nếu để thuận tiện đi lại, hay đi lại nhanh thì đa phần người dân sẽ chọn đường bộ. Theo ý kiến của TS Phạm Sanh, đưa ra mục tiêu chính cho buýt đường sông là du lịch thì thiết thực hơn.
TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Đại học Việt Đức - nhận định, với việc có nhiều sông, kênh, rạch, về lâu dài thành phố cần tận dụng lợi thế tự nhiên này để phát triển buýt đường sông. Loại hình này thực hiện ít tốn kém, thời gian thực hiện nhanh, giảm ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông…
Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ bởi loại hình này có nhóm đối tượng riêng. Khách hàng chủ yếu là những người đi lại không cần nhanh, những người sinh sống, làm việc trên lộ trình các tuyến đi qua, đặc biệt lượng khách đi lại nhiều vẫn là khách du lịch.
Còn việc đặt mục tiêu buýt đường sông giúp giảm ùn tắc ở đường bộ, TS Trần Anh Tuấn cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá lại. “Các cơ quan chức năng có thể khảo sát tình hình đi lại của người dân trên các tuyến đường bộ dọc theo tuyến buýt đường sông. Sau đó đánh giá xem liệu có bao nhiêu người sẽ chuyển đổi từ giao thông bộ sang giao thông thủy để có dự báo chính xác. Qua đó xây dựng được các tuyến giao thông thủy phù hợp để người dân có thêm lựa chọn hình thức đi lại” - ông Tuấn nói.
Ngoài tuyến buýt sông số 1, dự kiến đầu năm 2018 tuyến buýt sông số 2 đi từ Bạch Đằng - Lò Gốm dài khoảng 10,3km, chạy dọc theo sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ sẽ được khởi công. Tuyến buýt sông số 3 từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ, quận 7 và tuyến số 4 từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7 cũng đã được UBND TPHCM phê duyệt.