Trong vòng 14 ngày trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 của TP.Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong nhiều ngày, số ca mắc COVID-19 tới con số gần 300 ca. Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ngày 27.11, Hà Nội ghi nhận 272 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng 146 ca, khu cách ly 88 ca, khu phong tỏa 38 ca. Số ca vào ngày 26.11 là 264 ca.
UBND TP.Hà Nội cũng đưa ra nhận định, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới đang tăng nhanh. Kinh nghiệm thực tiễn từ các tỉnh, thành phía Nam cho thấy, diễn biến dịch bệnh có thể bùng phát nhanh chóng với số lượng người mắc lớn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, số ca mắc tăng rất nhanh là điều đã được lường trước. Song, Hà Nội cần có chiến lược phù hợp hơn khi số ca mắc có thể lên đến 4 con số mỗi ngày.
TP.Hà Nội đã lên kế hoạch, chuẩn bị điều trị với kịch bản 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm. Đây là một tín hiệu tốt trong việc chuẩn bị nhân, vật lực để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, khi số ca nhiễm không triệu chứng và nhẹ chiếm tỷ lệ chủ yếu, y tế cơ sở sẽ phát huy vai trò chủ lực thay vì các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hà Nội cần lường trước tình huống số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày. Khi đó cần chuyển sang trạng thái điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
"Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lý, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động", ông Phu nói.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết: Vừa qua, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh khi lên tới 100.000 ca mắc COVID-19. Việc này nhằm đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 được tốt nhất, vừa đảm bảo theo dõi, điều trị sức khoẻ cho bệnh nhân nhưng cũng tránh quá tải tại các cơ sở y tế.
Theo ông Việt, với F0 không triệu chứng, thể nhẹ không nhất thiết phải đưa vào bệnh viện mà có thể điều trị ngay tại tuyến cơ sở, tại các trạm y tế lưu động. Như vậy F0 vừa được theo dõi sức khoẻ và cũng đảm bảo được tránh quá tải ở các tầng khác như bệnh viện tuyến huyện, tuyến thành phố.
Còn với các F0 có triệu chứng mức độ vừa và mức độ nặng cần được đưa vào các cơ sở y tế theo phân tầng để đảm bảo việc điều trị được tốt nhất, hạn chế tình trạng nguy kịch, tử vong.
Cùng trao đổi về việc này, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay việc điều trị, thu dung người mắc COVID-19 của thành phố đang được thực hiện theo kịch bản lên tới 100.000 ca mắc COVID-19. Có 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 tuỳ theo các mức độ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, liên quan tới ý kiến của các chuyên gia liên quan tới khuyến cáo về chiến lược điều trị F0, Sở Y tế cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng các phương án cụ thể phù hợp với tình hình để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thực hiện thí điểm Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung điều trị F0 tại cộng đồng) tại 5 quận, huyện: Long Biên quy mô 150 giường, Hoài Đức 300 giường, Sóc Sơn 200 giường, Thanh Trì 300 giường, Mỹ Đức 200 giường.