Ngày 12.6, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau cho biết, chỉ tính từ tháng 5 đến nay đã tiếp nhận và điều trị hơn 60 ca bệnh tay - chân - miệng.
Trong đó, các trường hợp mắc tay - chân - miệng chủ yếu ở thể vừa, có nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế khi đã có biểu hiện rõ rệt của bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Kim Đắng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang điều trị cho hơn 30 ca bệnh tay - chân - miệng.
Nhờ gia đình phát hiện và đưa nhập viện kịp thời nên không có ca bệnh nặng và đã hồi phục sức khỏe sau thời gian điều trị”.
Bác sĩ Đắng khuyến cáo, do bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nên để chủ động phòng tránh, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến biểu hiện, tình trạng sức khỏe của trẻ.
Khi thấy trẻ bị loét miệng, phát ban, mụn nước mà có các dấu hiệu như sốt cao liên tục khó hạ kèm với giật mình, hôn mê, tay chân lạnh, tim đập nhanh…cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh nhà cửa, đồ chơi cho trẻ, rửa sạch tay chân trẻ với xà phòng, cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện;
Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng và các dịch bệnh trong trường học.