Trước đó, từ chiều tối 29.10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang triển khai lực lượng sẵn sàng ứng phó, trong đó ưu tiên bảo vệ hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân.
Từ tối 29.10, khu vực các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu có gió mạnh, sóng lớn, quân dân trên các đảo sẵn sàng ứng phó với bão số 5, đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ tàu cá vào trú, tránh bão.
Quân và dân các đảo hoàn tất sơ tán các phương tiện, thiết bị, hệ thống pin mặt trời vào nơi an toàn, cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa. Hàng chục tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đã vào các âu tàu neo đậu. Lực lượng trên các đảo hướng dẫn, giúp đỡ neo đậu chắc chắn và thường xuyên được cung cấp thông tin của bão.
Các đảo đã cấp nước ngọt miễn phí và giúp đỡ bà con sửa chữa một số máy bơm nước, máy điện. Chuẩn bị đầy đủ nơi ăn ở khu vực làng chài để di chuyển bà con ngư dân khi có tình huống bão đổ bộ. Lực lượng quân y của đảo đã chuẩn bị các phương án thăm khám, cấp thuốc, cấp cứu ngư dân. Đồng thời, các đảo cũng sẵn sàng hiệp đồng với các phương tiện tàu thuyền, lực lượng trong khu vực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Cũng ngay từ chiều 29.10, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp với các địa phương, ban ngành chức năng lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 5. Yêu cầu các địa phương chủ động kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền; tổ chức kiểm đếm, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đặc biệt chú trọng việc ứng trực, đảm bảo an toàn các hồ chứa, hồ thủy lợi.
Hiện tỉnh này có 50 hồ chứa nước, trong đó 3 hồ thủy lợi dung tích chứa hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, hồ Suối Vực và hồ Đồng Tròn. Các chủ hồ đã tổ chức trực ban, theo dõi sát tình hình thời tiết để có kế hoạch điều tiết hợp lý.
Tại Bình Định, UBND tỉnh cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai nhanh các phương án ứng phó với cơn bão số 5. Đến thời điểm này, tại tỉnh Bình Định có khoảng 5.000ha lúa mùa gieo khô đang làm đòng tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ; hơn 200ha tôm nuôi trên cát và gần 2.800 lồng bè nuôi ở cửa biển Quy Nhơn và hồ Định Bình...
Chính quyền các địa phương ưu tiên hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố và yêu cầu người dân không ở lại trên các lồng bè nuôi khi bão đổ bộ. Hiện 165 hồ chứa thủy lợi ở tỉnh Bình Định sẵn sàng tích nước.
Riêng Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tuyến giao thông vận tải thủy Sa Kỳ- Lý Sơn, đảo Lớn- đảo Bé. Các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng tạm dừng. Hơn 300 tàu cá đánh bắt gần bờ và gần 40 lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn đã được đưa vào vũng neo trú tàu thuyền, đảm bảo kỹ thuật, tránh va đập gây thiệt hại về tài sản.
Hiện ngành giáo dục đào tạo của các địa phương Nam Trung bộ đều có thông báo cho học sinh nghỉ học theo từng điều kiện thích hợp để phòng tránh bão.