Phát biểu trong phiên họp, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Từ đó, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Bà Đào đề nghị, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan có liên quan. Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, cũng như quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cũng cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết. Đồng thời, sẽ báo cáo kết quả đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, chủ tọa đã thông qua danh sách 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được lấy phiếu tín nhiệm.
Kỳ họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với các mức tín nhiệm: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Kết quả, không có người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”. Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - có số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao” cao nhất, đạt tỉ lệ 100%; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đạt tỉ lệ 95,74% số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao” và 4,26% phiếu “tín nhiệm”.