Thành phố Thủ Đức kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng
Trên cơ sở Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa kí quyết định thí điểm thành lập 3 trung tâm trực thuộc UBND Thành phố Thủ Đức.
Trong đó, Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức cung cấp dịch vụ phúc lợi cơ bản cho người yếu thế, người nghèo, lao động phi chính thức và những người cần được hỗ trợ tại TP Thủ Đức.
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thành phố Thủ Đức thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án; xúc tiến kêu gọi đầu tư và thúc đẩy các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố Thủ Đức.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Thủ Đức thực hiện chức năng ứng dụng công nghệ, dịch vụ công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước của Thành phố Thủ Đức.
Như vậy, Thành phố Thủ Đức là nơi đầu tiên triển khai Nghị quyết 98 ở TPHCM. Theo ông Lưu Trọng Nghĩa - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND Thành phố Thủ Đức), thực hiện Nghị quyết 98, UBND Thành phố Thủ Đức đã chủ động và phối hợp triển khai các chương trình, đề án về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trong đó, Thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà Nghị quyết 98 đã phân cấp cho TPHCM và Thành phố Thủ Đức.
Cụ thể: dự án mở rộng Quốc lộ 13 tổng vốn hơn 10.000 tỉ đồng theo hình thức BOT; dự án nhà máy xử lí chất thải Thủ Đức 1 hơn 5.200 tỉ đồng; dự án xây dựng đường nối vành đai 3 (đoạn từ nút giao Gò Công đến trạm 2 cũ) là 8.600 tỉ đồng; dự án trung tâm chẩn đoán y khoa và điều trị ngoại trú khoảng 3.000 tỉ đồng; dự án bệnh viện đa khoa khu vực Thành phố thủ Đức khoảng 6.000 tỉ đồng; dự án nhà máy xử lý chất thải Thủ Đức 2 khoảng 20.000 tỉ đồng.
Cụ thể hóa nhiều cơ chế đặc thù
Mới đây, UBND TPHCM đã trình Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chấp thuận chủ trương bổ sung nhân sự lãnh đạo cấp huyện, xã theo Nghị quyết 98.
Theo đó, TPHCM sẽ bổ sung 1 Phó Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch UBND đối với Thành phố Thủ Đức, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND đối với 3 huyện Cần Giờ, Hóc Môn và Nhà Bè và 49 phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn trên 50.000 người.
Dự kiến, trong kỳ họp HĐND vào tháng 9 tới, UBND TPHCM sẽ trình HĐND xem xét thông qua 19 tờ trình. Có thể kể đến một số tờ trình quan trọng như: Bổ sung đối tượng được chi thu nhập tăng thêm và bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; danh mục dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT…
Ngoài ra, tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Thành phố Thủ Đức cũng được ưu tiên xem xét thông qua sớm để tạo tiền đề cho "thành phố trong thành phố" phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tiếp đó, tại kỳ họp cuối năm vào tháng 12, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM thông qua 7 tờ trình. Trong đó đáng chú ý là tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm. Với quy mô dân số hơn 10 triệu người, TPHCM là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm được cho là cấp thiết đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM.