Theo ông Ngô Thế Anh, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có trên 100 tuyến phố theo địa giới hành chính. Trong đó, có khoảng 55 tuyến phố thuộc danh mục các tuyến đường được hạ ngầm hệ thống điện, viễn thông, đèn chiếu sáng... Đến năm 2017, Ban quản lý Đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng đã lập danh mục chỉnh trang 20 tuyến hè.
Ông Ngô Thế Anh cũng cho biết, tại thời điểm Thanh tra Thành phố Hà Nội thanh tra năm 2018, quận Hai Bà Trưng có 6 tuyến đã cơ bản hoàn thành việc lát đá vỉa hè và được đưa vào sử dụng. Các tuyến phố gồm Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Thượng Hiền, Bà Triệu và Nguyễn Du. Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, các tuyến cơ bản đảm bảo yêu cầu chất lượng theo quy định.
Đối với tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu có tình trạng đá vỡ nát, ông Thế Anh cho biết tuyến đường này có 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 từ ngã 3 giao với Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt thuộc dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Còn phân đoạn 2 đoạn từ ngã 3 Tô Hiến Thành đến Trần Nhân Tông do quận triển khai.
"Tuyến đường này được hoàn thành và bàn giao vào đầu 2020. Trên cơ sở tiếp nhận ý kiến phản ánh của Báo Lao Động, Ban quản lý đã kiểm tra, và ghi nhận hệ thống hạ tầng kỹ thuật mặt hè trên các tuyến phố. Qua đó có 1 điểm ngã 3 Trần Nhân Tông có bóc khoảng 3 - 4 viên đá để đấu nối hệ thống chiếu sáng. Hiện nay công tác đấu nối đã hoàn thành nên các đơn vị liên quan đã hoàn trả lại đá lát" - ông Thế Anh nói.
Theo đại diện Ban quản lý, trong thời gian này đơn vị sẽ có trách nhiệm chủ động phối hợp với UBND các phường rà soát, kiểm tra tiếp nhận thông tin của báo chí, của nhân dân để yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa khi có hư hỏng. Hiện nay, đơn vị này đang triển khai việc lát đá tự nhiên trên khoảng 20 tuyến phố.
Không có định danh về độ bền 70 năm?
Nói về việc sử dụng đá có độ bền 70 năm, ông Thế Anh cho biết, hiện tại nguồn đá được sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên có kết cấu bền vững, có tuổi thọ sử dụng 50-70 năm theo chủ trương và chỉ đạo của Thành phố. Bởi thực tế hiện nay không có định danh về độ bền 70 năm, chỉ quy định cường độ, độ bền uốn, độ dày của đá. Chủng loại đá lát vỉa hè phải có nguồn gốc đá marble trở lên. Còn những loại vật liệu khác như cát, xi măng... được lấy mẫu theo tiêu chuẩn hiện hành.
"Thực hiện theo kết luận của Thanh tra Thành phố năm 2018, chúng tôi đã tăng độ dày của đá lát từ 4cm lên 5cm; đồng thời giảm thiểu tình trạng đào xới vỉa hè sau khi đã lát đá; tăng sự giám sát cộng đồng và sửa chữa những vị trí bị vỡ nát để tránh hỏng lan ra khu vực xung quanh. Đồng thời chúng tôi đã tiếp thu, khắc phục những tồn tại mà Sở Xây dựng kiểm tra thực tế hồi tháng 8 vừa qua" - ông Thế Anh nói.
Với những vị trí đá lát vỉa hè bị vỡ nát, ông Thế Anh khẳng định không phải do nguyên nhân từ đá mà do nhiều nguyên nhân khác như thi công hạ tầng, tác động của ngoại lực, ý thức người dân, phương tiện giao thông đi lại trên vỉa hè...
Trả lời phóng viên về "điệp khúc đào đường vỉa hè" cuối năm, ông Thế Anh cho biết vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đấu thầu dự án, các quy định mới của nhà nước về vấn đề dự toán.
Thông tin với báo chí về vấn đề đá lát vỉa hè vỡ hỏng sau 2 năm sử dụng, kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, việc gạch đá vỡ nát, xuống cấp nghiêm trọng do nghiên cứu không nghiêm túc, chọn vật liệu không phù hợp với Hà Nội. Rất nhiều thành phố sử dụng vật liệu tái sử dụng, phế thải xây dựng nghiền ra, dùng chất kết dính cường độ cao nén áp suất cao có độ bền còn hơn vật liệu tự nhiên.
Liên quan đến vụ việc này, PV Lao Động đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị quản lý, giám sát chung về công tác lát đá vỉa hè của Thành phố để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục và hiện phóng viên vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ Sở này.