Chiều 16.3, Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn do Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Duy Chinh dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Cao Bằng.
Tại buổi làm việc, việc nghiên cứu, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông được xúc tiến triển khai. UBND 2 tỉnh đã phối hợp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Cùng với đó, nhiều các lĩnh vực hợp tác giữa 2 tỉnh đều được đưa ra thảo luận như văn hoá, phát triển tour du lịch, phối hợp xây dựng Quy hoạch chung tỉnh Cao Bằng...
Đặc biệt, trong khuôn khổ buổi làm việc, lĩnh vực quản lý phương tiện giao thông; tổ chức tuần tra, kiểm soát các vụ vi phạm lâm sản, khoáng sản trái pháp luật thuộc khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh luôn được đặc biệt lưu tâm.
Việc Cao Bằng, Bắc Kạn đặt cao vấn đề kiểm soát lâm - khoáng sản tại buổi họp được cho là có nhiều liên quan đến vụ phá rừng để làm đường đang được dư luận đặc biệt quan tâm tại địa phương này.
Cụ thể trong báo cáo số 495/UBND-KT ban hành ngày 10.3 của UBND tỉnh Cao Bằng, tỉnh này đã thống kê hàng loạt công trình đường giao thông trên địa bàn đã tác động vào rừng, không tuân thủ đúng quy trình; đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của hàng loạt cá nhân, tổ chức.
Theo đó, dự án đường tỉnh 206 (nối xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang) đã tác động vào rừng khi chưa thực hiện quy định trồng rừng thay thế. Đường Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (huyện Nguyên Bình) - Pắc Nặm (Bắc Kạn) tác động hơn 7 hecta rừng nhưng chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Dự án Quốc lộ 34 - xã Phan Thanh, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén, xã Thành Công do UBND huyện Nguyên Bình làm chủ đầu tư đã tác động vào rừng đặc dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Theo nguồn tin riêng của Lao Động, trong ngày hôm nay 17.3, nhiều cá nhân, tổ chức như Sở KHĐT tỉnh Cao Bằng, Văn phòng UBND tỉnh, Sở NNPTNT, Sở TNMT, UBND huyện Nguyên Bình, UBND huyện Hòa An... sẽ phải có báo cáo gửi cấp trên làm rõ trách nhiệm về nội dung này.