Giá nhà xa tầm với người lao động
Hơn 10 năm trước, khăn gói ra Hà Nội làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đến nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1985) - vẫn đang ở thuê trọ gần khu công nghiệp với mức giá gần 3 triệu đồng/tháng. Căn phòng trọ hơn 20m2 là nơi sinh sống của gia đình anh Hoàng với 2 vợ chồng và 2 người con.
“Biết là chật chội, không gian hẹp nhưng gia đình chúng tôi cũng chẳng còn cách nào. Với mức giá nhà ngày càng tăng cao - vượt xa nhiều lần mức thu nhập của người lao động, chúng tôi chẳng mong dám có nhà tại thành phố” - anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng chỉ là một trong số hàng triệu công nhân, lao động (CNLĐ) đang làm việc tại những đô thị lớn trên cả nước không dám mơ tới việc mua nhà, kể cả là nhà ở xã hội (NƠXH). Đây là nỗi niềm của nhiều CNLĐ mong muốn khi sửa đổi Luật Nhà ở sẽ giúp họ có một nơi ở dài lâu.
Hôm nay (26.10), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở đó là nguyên tắc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở, NƠXH.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhận định, thủ tục đầu tư, chi phí đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp dẫn đến nhà ở ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân.
“Đầu tư tốn kém, chi phí cao thì dẫn tới giá nhà phải cao - đó là quy luật của thị trường. Do vậy, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh phù hợp để phát triển thị trường nhà ở là điều rất cần thiết. Mặt khác, nhà nước cũng phải có những chính sách phát triển NƠXH để những đối tượng là công nhân, người lao động có thể tiếp cận là điều rất cần quan tâm. Thủ tục đầu tư phải thông thoáng để hấp dẫn các nhà đầu tư” - đại biểu Cừ cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, thủ tục được bổ sung trong dự thảo luật.
Giúp công nhân, người lao động có chỗ ở dài lâu, giá cả hợp lý
Dẫn chứng thực tế từ Bình Dương, tổ chức Công đoàn đã từng tham gia giới thiệu, hướng dẫn cho nhiều công nhân, lao động tiếp cận với NƠXH, nhà ở công nhân, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất giao Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển NƠXH cho công nhân lao động là rất phù hợp.
Theo đại biểu Bảo Trân, việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho người lao động thuê từ nguồn kinh phí công đoàn sẽ có nhiều thuận lợi bởi tổ chức Công đoàn là tổ chức trực tiếp, thường xuyên nắm bắt nhu cầu và điều kiện sống của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này giúp công nhân, người lao động thuê nhà giá rẻ, ổn định trong thời gian dài.
“Đây là chủ trương rất đúng đắn bởi hiện nay, nhiều công nhân, người lao động phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo. Do vậy, tôi mong muốn việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho người lao động thuê từ nguồn kinh phí công đoàn sẽ được cụ thể hoá và đồng bộ trong Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản” - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai khóa XV - cho hay, đề xuất để Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê là rất cần thiết. Theo đó, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển các thiết chế công đoàn, phát triển các khu vui chơi, giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng của CNLĐ tại khu vực đó.
"Thực tiễn đã chứng minh, giao cho công đoàn làm thì nhanh, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Việc xây dựng NƠXH phải huy động mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng cho nên Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia là một lực lượng rất cần thiết. Chúng ta không thể trông chờ vào chỉ một lực lượng nào, không thể chỉ mỗi nhà nước hay chỉ mỗi doanh nghiệp. Số lượng NƠXH cần xây dựng rất lớn nên cần huy động nhiều lực lượng, trong đó có tổ chức Công đoàn" - ĐBQH Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho việc triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội
Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 30.9.2023, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân gần 105 tỉ đồng - chủ yếu tại BIDV và Agribank - cho các dự án nhà ở xã hội ở Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng 120.000 tỉ đồng để góp phần phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, theo đó tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Kể từ khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc bất động sản nhà ở xã hội.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank - cho biết, Agribank dành 30.000 tỉ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Agribank đang tiếp cận một số dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở xã hội phường Long Trường, TP Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); Khu nhà ở xã hội tại khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (do Công ty IEC làm chủ đầu tư); Dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (do Công ty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư)...
MINH ÁNH
Tạo quỹ đất sạch, kéo giảm giá đất, giá xây dựng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, trong Luật Nhà ở cũng như các Nghị định của Chính phủ đã quy định nguyên tắc tính giá NƠXH. Do đó, muốn giảm giá NƠXH phải kéo giảm từng thành phần cơ cấu nên giá.
Theo ông Châu, với các dự án NƠXH sử dụng đất công thì chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ thấp hơn so với việc doanh nghiệp đi mua đất để làm NƠXH. Chi phí GPMB là chi phí hợp lệ được tính vào giá thành do vậy cần phải kiểm soát được giá trong chi phí GPMB. Chi phí thứ hai tính vào giá thành NƠXH là chi phí vốn. Doanh nghiệp nếu được hỗ trợ vốn ưu đãi, lãi suất thấp là sự hỗ trợ tốt. Chi phí thứ ba là chi phí chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Một chi phí khác là chi phí xây dựng, nếu giá vật liệu xây dựng tăng thì dẫn tới giá thành tăng.
Do vậy, Chủ tịch HoREA cho rằng, để giảm giá NƠXH thì từng thành phần trong yếu tố cấu thành giá phải được kéo giảm. Cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ để kéo giảm từng chi phí giá như nói ở trên. Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu dự án sử dụng đất làm NƠXH.
Vương Trần
Gỡ vướng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Chủ trương đã có, nhà đầu tư sẵn sàng nhưng nhiều vướng mắc đang tồn tại khiến việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại một số địa phương như Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An còn khó khăn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang triển khai 2 dự án nhà ở xã hội và 7 dự án nhà ở thương mại, với tổng số gần 5.000 căn nhà ở xã hội và trên 900 căn nhà ở thương mại nhưng việc thực hiện các dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 56 Luật Nhà ở hiện hành quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội như sau: “Khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng KCN, khu nghiên cứu đào tạo, UBND có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội”, nhưng trong quá trình lập quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn, phải xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị và quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết xã đều phải bố trí nhà ở xã hội) dẫn đến chồng chéo về quỹ đất nhà ở xã hội trong các cấp quy hoạch.
Đối với nhà ở cho công nhân, tỉnh Ninh Bình dự kiến sẽ thực hiện hoàn thành nhà ở xã hội với chỉ tiêu được giao toàn Đề án là 3.100 căn, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 2.300 căn và giai đoạn 2026-2030 là 800 căn.
Cũng thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hoàn thành ít nhất 13.787 căn, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 6.287 căn; giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành khoảng 7.500 căn. Còn tại Nghệ An, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030, bao gồm 9.000 căn nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp và 19.500 căn cho công nhân khu công nghiệp; chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm TP Vinh và các huyện phụ cận.
Nhóm PV