Khó khả thi
Thời gian gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến cao tốc và phần lớn những vụ TNGT trên cao tốc thường rất nghiêm trọng. Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), trong năm 2021, tuyến cao tốc huyết mạch nối từ TPHCM dài 62km đi qua Long An, Tiền Giang này đã xảy ra 144 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 32 người. Tính trong quý I/2022, có 26 vụ TNGT trên tuyến, làm 1 người chết, 9 người bị thương.
Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - cho hay đối với các vụ tai nạn trên các tuyến cao tốc, nguyên nhân nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như kỹ năng lái xe còn yếu, phương tiện gặp sự cố... Lái xe trên đường cao tốc ẩn chứa nhiều rủi ro, đòi hỏi người điều khiển phải có những kỹ năng lái xe thật tốt. Do vậy cần đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Do đó, Cục CSGT đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo; phối hợp với lực lượng CSGT và ngành Y tế quản lý lái xe, kiểm tra kỹ hồ sơ học lái xe, giấy khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng chất ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi giấy phép lái xe.
Theo ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp GPLX xe ôtô Đức Thịnh (Hà Nội), những năm qua, thành phố Hà Nội kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỉ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan. Cũng theo ông Hải, trong bộ đề 600 câu hỏi thi lý thuyết lái xe đã có chương trình đào tạo về đường cao tốc bao gồm hệ thống biển báo chỉ dẫn; quy định lái xe vào, ra nút giao, khoảng cách giữa các xe, quy định về tốc độ… và lái xe phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xử lý các tình huống giao thông khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc.
“Nếu đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải bỏ kinh phí đầu tư đường dài 3-5km theo tiêu chuẩn sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, không ai cho học viên học lái xe trên đường cao tốc chạy tốc độ cao từ 60-80-100km/giờ sẽ gây nguy hiểm cho học viên và người dạy” - ông Hải cho hay.
Dùng cabin thay thế sa hình
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nhiều tỉnh còn chưa có tuyến đường cao tốc chạy qua. Ở các nước trên thế giới cũng chưa có bài lái xe trên đường cao tốc đưa vào chương trình đào tạo, sát hạch. Do đó, nếu đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo sẽ có bất cập và chưa nên áp dụng bởi hiện nay các chương trình đào tạo đang duy trì tốt. Sau này, học viên thi xong lấy bằng lái tham gia giao thông sẽ chủ động việc đó.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, trong giáo trình đào tạo đã có một chương về đào tạo lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ việc người lái xe vào ra phải xử lý như thế nào, chuyển làn, biển báo chỉ dẫn, dừng đỗ xe, xử lý tình huống cao tốc. Ngoài việc giáo trình có nội dung này, phần trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe - cabin học lái xe cũng có hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc. Theo đó, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe hay giáo viên sẽ cho học viên học lái luyện tập ở đường đô thị, Quốc lộ có mật độ giao thông hỗn hợp. Nếu xử lý được các tình huống này, người lái có giấy phép lái xe khi đi cao tốc sẽ dễ dàng do cao tốc chỉ quy định tốc độ lưu thông, biển báo chỉ dẫn và các nút giao ra vào đường.
Cũng theo ông Lương Duyên Thống, hiện chúng ta đã và đang trang bị cho học viên đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe. Nếu trước đây việc đào tạo lái xe chỉ chủ yếu trong sân tập lái hoặc thực tế trên đường, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông.
Việt Nam hiện có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km. Đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km.