Giá vé đã đi vào khuôn khổ
Ghi nhận của Lao Động trong 2 ngày cuối tuần vừa qua cho thấy, hầu hết các điểm trông giữ xe ở khu vực ngã 4 Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Hàng Bài - Lý Thường Kiệt, Hàng Gai, Cầu Gỗ,... đều lấy giá trông giữ xe máy từ 8.000-10.000 đồng.
Nếu sau 23h, giá vé sẽ tăng lên thành 20.000 đồng. Còn ôtô được trông giữ từ 50.000-100.000 đồng/lượt.
Khảo sát cũng cho thấy, không còn xuất hiện tình trạng "chặt chém" giá trông giữ xe ở các điểm trông giữ xe quanh khu vực hồ Gươm. Các tuyến phố cũng không còn tình trạng lộn xộn, nhốn nháo như những dịp lễ, Tết trước đây.
Điều đáng nói, nhiều bãi trông giữ xe máy "bủa vây" lòng đường, vỉa hè, chặn lối đi của người dân, du khách như thời điểm trước Tết cũng không còn tồn tại làm cho khu phố trở nên văn minh hơn.
Anh Vũ Văn Tiến (25 tuổi, nhân viên trông giữ xe) cho biết, những ngày cuối tuần không trùng với dịp lễ, Tết, số lượng du khách đến phố đi bộ hồ Gươm ít hơn nên người dân không phải đi gửi xe ở xa.
Theo anh Tiến, một số điểm trông giữ xe tràn lan trước đây phần lớn đều là những điểm không được cấp giấy phép.
"Đến nay, nhiều điểm bãi trông giữ xe này đã bị chính quyền xử lý. Còn những điểm khác cũng thu với giá theo quy định 5.000 đồng buổi ngày và 8.000 đồng vào buổi tối. Sau 23h đêm thì giá vé có tăng thêm khoảng 10.000 đồng", anh Tiến nói.
Anh Lê Văn Hải (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, những dịp lễ Tết, dọc tuyến phố Hai Bà Trưng "mọc" lên hàng loạt bãi trông giữ xe, đồng thời thu tiền vé "cao ngất ngưởng".
"Tôi gửi xe trong đêm giao thừa, họ lấy giá 70.000-100.000 đồng mỗi xe. Biết rằng, ngày lễ Tết giá gửi xe sẽ cao hơn ngày thường, nhưng không nghĩ họ lại "chém" kinh khủng như vậy", anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, giá vé trông giữ xe đến nay đã được thu đúng quy định, không còn tình trạng "hét giá" gây bức xúc cho người dân, cũng như làm mất trật tự đô thị. "Mong chính quyền xử lý nghiêm những trường hợp tái phạm, nhất là dịp lễ Tết", anh Hải nói.
Quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã yêu cầu tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.
Đồng thời kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Tại quận Hoàn Kiếm, từ ngày 13.2 đến nay, địa phương này đã tổ chức lực lượng, ra quân kiểm tra xử lý một cách toàn diện về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn các phường.
Quận Hoàn Kiếm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm với phương châm "Thượng tôn pháp luật để xây dựng trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường"; "Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm".
Tuy nhiên, sau 1 tuần ra quân, tình hình vẫn chưa được cải thiện, thậm chí hoạt động lấn chiếm vỉa hè còn diễn ra một cách ngang nhiên hơn.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên đến nay kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
"Hà Nội cần phải làm kiên quyết, kiên trì để đạt được mục đích, không bắt cóc bỏ dĩa, không đánh trống bỏ dùi và không để quyết tâm chỉ ở trên bàn giấy", ông Nghiêm nói.