Theo đó, khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phải đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh. Các cấp huyện, xã có dịch bệnh cũng phải lập ban chỉ đạo như trên. Ban chỉ đạo các cấp phải chịu trách nhiệm phân công các thành viên đeo bám, trực tiếp xuống vùng dịch bệnh tham gia cùng nhân dân chống dịch...
Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, hành động đầu tiên là phải thu gom, tiêu huỷ lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuyệt đối không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phải tiêu huỷ lợn bệnh trong vòng 24 giờ và trong vòng 48 giờ, phải tiêu huỷ luôn đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàn, không cần phải chờ kết quả xét nghiệm, nhằm ngăn chặn lây lan, phát tán trên diện rộng.
Mặt khác, trong “kịch bản” còn đặt ra các bước tiêu huỷ lợn bệnh, nghi bị bệnh,... Bên cạnh đó là những giải pháp khoanh vùng ổ dịch, cách thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày, 3 lần/tuần...
Song song với các việc làm trên, “kịch bản” cũng đưa ra các biện pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được pháp giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y, với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm.
Ngoài ra, “kịch bản” còn đưa ra các giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh. Và cuối cùng, giải pháp về truyền thông nguy cơ cũng được đề cập tới trong “kịch bản”.