Không dễ loại trừ hẳn tín dụng đen
Dù công tác ngăn chặn tín dụng đen được các bộ, ngành tích cực phối hợp triển khai thời gian vừa qua, nhưng theo đánh giá của Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), một nguyên nhân khiến cho tín dụng đen vẫn còn nhiều đất diễn là do lợi nhuận bất chính quá lớn từ cho vay bất hợp pháp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, bất chấp lực lượng công an liên tục thực hiện các đợt truy quét.
Không những len lỏi dưới rất nhiều hình thức, nhiều thông tin phản ánh tại một hội thảo do NHNN tổ chức cuối tuần qua cho thấy thời gian gần đây, các đối tượng hoạt động tín dụng đen còn thay đổi hình thức hoạt động như: Thông qua các phần mềm điện tử, hoạt động trên môi trường mạng thông qua các app cho vay mà người bị hại chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể dễ dàng truy cập, ký kết các hợp đồng vay nợ.
Đáng chú ý theo phân tích của ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội, môi trường mà “tín dụng đen” hoạt động và tồn tại chính là khả năng tiếp cận nguồn vốn của các đối tượng lao động nghèo, học sinh sinh viên, người lao động. Những người có nhu cầu cấp bách cần nguồn vốn để buôn bán, sản xuất, đóng học phí... nhưng không có khả năng tự lực hoặc không nhận được sự hỗ trợ của người thân quen.
Cần giải pháp căn cơ, căn bản nhất
Từ thực tế trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cần xác định rõ bốn điều kiện, mục tiêu và giải pháp cần thực hiện để về lâu dài có thể đẩy lùi nạn tín dụng đen. Đó là chỉ khi đời sống và dân trí của người dân được nâng cao, nạn tín dụng đen mới có thể giảm bớt. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, hệ thống quản lý cần được đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong trấn áp, xử lý tội phạm về tín dụng đen cũng như trách nhiệm trong xử lý tội phạm về tín dụng đen.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, một yêu cầu quan trọng là hệ thống tài chính toàn diện phải được triển khai một cách tích cực, rộng khắp và người dân phải là đối tượng thụ hưởng một cách tích cực. Do đó trong trước mắt, vẫn phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, trấn áp và từng bước hạn chế tín dụng đen, làm sao cho người dân nhận thức được tác hại, hậu quả của tín dụng đen nếu như có quan hệ với tín dụng đen. Việc này cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Tiếp tục trấn áp, cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân bảo kê cho hoạt động tín dụng đen, kể cả tổ chức chính thức và phi chính thức.
Tuy nhiên một yêu cầu căn cơ là đối với nhu cầu vay chính đáng của người dân như phục vụ việc chữa bệnh, học hành, sinh hoạt hằng ngày… cần được tiếp cận được tín dụng chính thức, để người dân không phải vay tín dụng đen.
Theo Phó Thống đốc NHNN, tín dụng tiêu dùng được coi là lĩnh vực được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ và mở rộng trong thời gian tới. NHNN sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng, kể cả tín dụng vi mô, hệ thống quỹ tín dụng và đặc biệt là các công ty tài chính được tăng cường, tập trung phát triển tín dụng tiêu dùng. Song bên cạnh việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận tín dụng tiêu dùng, cũng phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Phó Chánh Tòa Hình sự Nguyễn Đình Tiến cho rằng, giải pháp phòng chống “tín dụng đen” đầu tiên chính là đẩy mạnh, phát huy mạng lưới tín dụng do Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập. Đồng thời thống nhất một hệ thống công ty tài chính được hoạt động theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng. Đáng chú ý các hình thức vay tiêu dùng cần được nghiên cứu, triển khai thích hợp phục vụ các đối tượng nghèo, người dân lao động, học sinh sinh viên với phương thức linh hoạt, ứng dụng các phần mềm cho vay tiên tiến để kiểm soát thị trường cho vay, đề cao tiêu chí hỗ trợ hơn lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đình Tiến cho rằng làm được và chỉ có làm tốt được điều này mới là giải pháp căn cơ nhất, cơ bản nhất đẩy lùi nạn tín dụng đen trong xã hội.