AFP cho hay, tại Pháp, Tây Ban Nha, Italia và nhiều khu vực Trung Âu, nhiệt độ đạt mức kỷ lục. Giới chức đã khuyến cáo người dân đề phòng tác động xấu của nhiệt độ.
Pháp đạt kỷ lục mới về nhiệt độ lên tới 45,9 độ C được ghi nhận tại Gallargues-le-Montueux, một ngôi làng ở vùng phía nam Gard, gần Montpellier, phá vỡ những kỷ lục liên tiếp được thiết lập trước đó trong cùng ngày, cơ quan khí tượng Pháp Meteo-France cho hay.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, thời tiết chuyển biến khắc nghiệt và cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới. Việc Châu Âu nóng lên báo hiệu xu thế thời tiết trong tương lai như thế nào và Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
TS.Mai Văn Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phân tích, theo quy luật khí hậu, hàng năm đều xuất hiện nắng nóng trong các tháng mùa hè ở châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Nam Âu.
Trong lịch sử, đã từng xảy ra nhiều đợt nắng nóng diện rộng ở nhiều quốc gia châu Âu như mùa hè các năm 1955, 1976, 1983, 1987, 1990.
Trong đó, đợt nắng nóng vào mùa hè năm 1987 đã làm chết khoảng 1.000 người ở Athens, Hy Lạp. Đặc biệt kể từ năm 2001 trở lại đây, các đợt nắng nóng diện rộng xuất hiện luôn kèm theo các giá trị kỷ lục nhiệt độ cao được ghi nhận, gây ra các hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như vào các mùa hè năm 2002, 2003, 2007, 2010, 2016, 2016 và 2019.
Trong đó, đợt nắng nóng vào mùa hè 2003 đã làm chết khoảng 15.000 người ở các quốc gia Tây Âu, với nhiệt độ cao nhất quan trắc được tại Bồ Đào Nhà lên tới 47 độ C.
Đợt nắng nóng vào mùa hè năm 2006 đã gây nhiệt độ cao phá nhiều kỷ lục nhiệt độ ở các nước như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, … nhiệt độ cao nhất tại Paris là 40 độ C. Tại Bulgari đã ghi nhận được nhiệt độ cao 45 độ C trong đợt nắng nóng mùa hè năm 2007.
Đợt nắng nóng vào tháng 6 năm 2010 đã bao trùm toàn bộ châu Âu và các nước vùng vĩ độ trung bình - vĩ đạo cao; nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Liên Bang Nga.
Từ một loạt con số thống kê qua các thời kì, TS Mai Văn Khiêm nhận định, như vậy có thể nhận thấy, đợt nắng nóng năm 2019 ở châu Âu không phải là bất thường khi xem xét về mặt quy luật khí hậu.
Điều đặc biệt ở đây là các kỷ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận liên tục trong các đợt nắng nóng ở những năm gần đây và trong năm 2019. Rõ ràng, các đợt nắng nóng trong những năm gần đây ngày càng khắc nghiệt.
"Theo các nhà khoa học trên thế giới, nguyên nhân gây nắng nóng ở khu vực châu Âu là do các yếu tố hoàn lưu quy mô lớn và sự ấm lên toàn cầu (hay biến đổi khí hậu) diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua và dự tính trong tương lai làm cho nắng nóng có cường độ mạnh hơn và tồn tại lâu hơn" - TS Khiêm khuyến cáo.
Theo TS Khiêm, trong xu thế thời tiết đó, Việt Nam có nguy cơ gia tăng hiện tượng cực đoan nắng nóng do sự ấm lên toàn cầu đã được chỉ rõ trong các báo cáo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo kịch bản Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016), số ngày nắng nóng được dự tính gia tăng trong tương lai, tăng nhanh nhất ở khu vực Bắc Bộ.
Đến giữa thế kỷ 21, số ngày nắng nóng có thể gia tăng từ 20 đến 40 ngày so với thời kỳ cơ sở; tăng đến trên 60 ngày so với thời kỳ cơ sở vào cuối thế kỷ 21.