Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đưa ra cảnh báo nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên thuộc cấp 1 - cấp độ rủi ro thiên tai.
Trong các ngày 2.6 và ngày 3.6, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục được dự báo có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ngoài cảnh báo về nắng nóng, ngày 2.6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng dự báo nhiều loại hình thiên tai khác.
Cụ thể, dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển. Theo đó, ngày và đêm 2.6, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Nam của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5-6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,5m, biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển ở cấp 2.
Tình hình mưa ngày, 19h 31.5 đến 19h 1.6 ghi nhận Khu vực Tây Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nà Bó (Sơn La) 58mm, Sa Van (Nghệ An) 44mm, Hồ Trà Tân (Bình Thuận) 51mm, Ea Rốk (Đắk Lắk) 48mm, Long Khánh (Đồng Nai) 50mm.
Mưa đêm (19h 1.6 đến 7h ngày 2.6), khu vực miền núi phía Bắc và Nam Trung Bộ có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Linh Hồ (Hà Giang) 45mm, Nà Ớt (Sơn La) 66mm, Phú Quý (Bình Thuận) 58mm.
Tình hình xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long từ ngày 1-10.6 tiếp tục có xu thế giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long ở cấp 1-2.
Về tình hình thiệt hại do thiên tai, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, ngày 30-31.5.2023 trên địa bàn huyện Chợ Mới, Châu Phú và thành phố Long Xuyên đã xảy ra 03 vụ sạt lở đất bờ kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 85m làm ảnh hưởng trực tiếp 09 căn nhà (trong đó 02 căn nhà cần di dời gấp).
Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng người dân di dời những hộ nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển cảnh báo và làm rào chắn để hạn chế người dân đi lại.
Từ tình hình thiên tai nêu trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
Văn phòng yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng; gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển và xâm nhập mặn.
Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.