Khó khăn cho cả người bệnh và cán bộ y tế
Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở khám chữa bệnh và gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế.
Ngày 15.10, trao đổi với Lao Động về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, BHYT cũng giống như Bảo hiểm Xã hội, được thực hiện trên cơ sở đóng - hưởng, đóng bao nhiêu sẽ hưởng bấy nhiêu. Do đó, tỉ lệ đóng của người dân sẽ tỉ lệ thuận với được hưởng. Căn cứ vào đó, cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế sẽ lên danh mục các loại thuốc mà người dân có thể được hưởng trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT.
Theo bà Nga, hiện tại ở nước ta, tỉ lệ bao phủ BHYT khá rộng để người dân được hưởng chế độ an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mức độ đóng BHYT của nước ta chưa cao do thu nhập bình quân thấp. Dù vậy, cũng đã rất lâu danh mục thuốc của nước ta chưa được cập nhật.
"Trong lúc chúng ta chưa thể tăng được tỉ lệ % hưởng, chưa tăng số tiền người dân được hưởng trong quá trình khám chữa bệnh thì ít nhất các danh mục thuốc chữa bệnh phải được cập nhật. Ở đây có thể chưa đòi hỏi cần phải tăng số tiền thuốc lên nhưng có những loại thuốc mới mà giá trị chữa bệnh ưu việt hơn thuốc cũ mà không kịp thời cập nhật thì sẽ gây khó khăn cho người dân và cả bệnh viện" - bà Nga nói và nhấn mạnh, Bộ Y tế và đơn vị bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này, phải nhanh chóng khắc phục.
BHYT có đền bù cho người bệnh khi để xảy ra việc thiếu thuốc, thiết bị?
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi vai trò của BHYT khi vẫn để tình trạng bệnh nhân phải tự chụp chiếu, tự mua thuốc, tự mua thiết bị y tế.
“Tôi xin hỏi vai trò của BHYT trong việc đền bù những chi phí này. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người được BHYT” - bà Lan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh BHYT, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí đóng BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc rà soát, bổ sung vào danh mục thuốc cũng là việc định kỳ, thường xuyên. Ngày 31.12.2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20 để rà soát, ban hành các danh mục, tỉ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu mà trong phạm vi người tham gia BHYT được hưởng.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Vụ Bảo hiểm y tế rà soát, cập nhật các danh mục thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đối với danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động tới Quỹ Bảo hiểm Y tế nên trong thời gian qua, bộ đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, bổ sung danh mục theo định kỳ.
Dự kiến, đến năm 2024, sẽ có những văn bản cập nhật về vấn đề này” - nữ bộ trưởng khẳng định.