Nuôi trâu làm du lịch
Xuất phát từ nhu cầu du lịch sinh thái của du khách ở Hội An, năm 2010, ông Trần Văn Khoa – Giám đốc điều hành Cty Jack Trần Tours đã thương lượng ý kiến nuôi trâu làm du lịch với ông Lê Viết Nhiên. Sau khi nhận lời nhưng bởi trâu còn chưa dạn với con người nên cần phải mất thời gian để huấn luyện.
“Trước kia, nghĩ nuôi trâu chỉ để phục vụ việc làm nông chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ làm du lịch như hiện nay. Từ những gợi ý của anh Khoa, tôi bắt đầu huấn luyện trâu làm du lịch và càng ngày càng thích thú với việc này”- ông Nhiên chia sẻ.
Theo ông Nhiên, hiện nay đàn trâu ông đã lên đến 20 con vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đồng quê cho du khách nước ngoài.
Để trâu có thể dạn dĩ, không sợ người lạ, ông Nhiên phải huấn luyện từ lúc còn nuôi nghé bằng các phương pháp cổ truyền tập cho trâu làm quen với các khẩu lệnh đứng lên, ngồi xuống. Đến khi trâu hơn hai tuổi thì tập cày bừa đi đứng, hò, dí, thá… Đặc biệt, sợ trâu dị ứng với mùi nước hoa của khách, ông Nhiên phải xoa nước hoa vào tay tập cho trâu ngửi để quen mùi. Hằng ngày, ông Nhiên phải dắt trâu ra tiếp xúc với du khách, cho du khách xoa đầu, cho trâu ngửi để quen mùi. Sau đó, tập cho trâu làm quen với các khẩu lệnh đứng lên, ngồi xuống, hay cày, đi... rồi mới phục vụ du khách trải nghiệm.
“Để có thể chọn con trâu làm du lịch thì phải hiền và khỏe. Muốn biết được nó có hiền, có khỏe không thì phải nhìn vào đặc điểm của nó, đừng tưởng nhìn “tướng tá” con trâu to lừng lững là đã khỏe, đã tốt đâu. Con trâu khôn hiện ra ở cái chùm xoáy ở lông. “Xoáy” ở trán giữa 2 sừng là tốt nhất. Trâu tốt là trâu phải có hai tai sát cặp sừng, hai gót chân sau không chụm vào nhau” - ông Nhiên chia sẻ.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai triền miên khiến cho nhiều dịch vụ du lịch TP.Hội An thiệt hại nghiêm trọng nên người nông dân bị thất nghiệp, phải tiếp tục công việc cày bừa.
Ông Nhiên cho hay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch phát triển, hằng ngày ông Nhiên có thể phục vụ đến 2, 3 đoàn với hơn 100 du khách. Mỗi một người khách như vậy, ông nhiên sẽ thu về 25 nghìn đồng, cộng thêm số tiền khách bồi dưỡng thì mỗi tháng, thu nhập ông Nhiên lên đến hàng chục triệu đồng.
Theo Giám đốc Công ty Khoa Trần, tính đến nay, công ty đã đưa loại hình du lịch khám phá đồng quê này vào hoạt động được gần 8 năm, riêng tour đi xe trâu, làm lúa nước cày, bừa cùng nông dân mới chỉ hoạt động hơn 3 năm. Mục đích của công ty ngoài việc kết nối với người dân để họ có thêm thu nhập còn muốn giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, hiểu hơn về ngành nông nghiệp lúa nước đã có lịch sử hàng nghìn năm ở Việt Nam, trong đó không thể thiếu hình ảnh con trâu với người nông dân. Từ khi đưa loại hình du lịch này vào phục vụ, hằng ngày công ty đều nhận được yêu cầu đặt tour, hầu hết là khách nước ngoài.
"Thời điểm hiện tại, dịch bệnh làm ảnh hưởng chung tất cả các ngành và đặc biệt là ngành du lịch. Nhưng tôi tin sau khi có vaccine hoặc khống chế được dịch, du khách tiếp tục tìm đến Hội An và trải nghiệm những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo này. Hiện nay, sản phẩm nuôi trâu làm du lịch đang đi đúng với định hướng của TP.Hội An theo hướng du lịch cộng đồng sinh thái, văn hoá, bền vững và có lợi cho người dân. Người nông dân có thể làm giàu từ con trâu, cái cày và trên mãnh vườn của họ giữ được nên văn minh lúa nước"- ông Khoa nói.