Tại huyện miền núi Đakrông của tỉnh Quảng Trị, đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông có hàng nghìn ha đất rừng bị xâm lấn.
Vào năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định chuyển đổi 1.301 ha đất rừng phòng hộ bị xâm lấn để bàn giao cho huyện Đakrông, và diện tích trên thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chuyển đổi, bàn giao vẫn chưa thực hiện được.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, vào tháng 3.2020, đơn vị này đã bàn giao thực địa toàn bộ diện tích nói trên cho UBND huyện Đakrông. Nhưng cần tiến hành các thủ tục đo đạc lập bản đồ địa chính phục vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thì mới bàn giao cho địa phương được.
Đến năm 2021, Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tiến các bước chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất và bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên do không có kinh phí chi trả nên đơn vị tư vấn không tiếp tục thực hiện các bước hoàn thành hồ sơ để trình cấp thẩm quyền quyết định.
“Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông đã có các văn bản kiến nghị cấp kinh phí cho đơn vị để thực hiện hoàn thành việc đo đạc lập hồ sơ địa chính. Nhưng đến nay, nguồn kinh phí thực hiện công việc trên vẫn chưa được bố trí; vì vậy, đơn vị chưa thể hoàn thành hồ sơ bàn giao hơn 1.300 ha đất về cho địa phương quản lý sử dụng” – lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, thông tin.
Được biết, vào tháng 12.2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị xin chủ trương sử dụng nguồn kinh phí khai thác gỗ rừng trồng để thực hiện đo đạc, chỉnh lý, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc ranh giới của các Ban quản lý rừng phòng hộ. “Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, các đơn vị liên quan thực hiện các bước tiếp theo theo quy định” – lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Trước đó, như Báo Lao Động thông tin, chỉ riêng ở 5 đơn vị lâm nghiệp, gồm Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, Ban quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9, đã có 8.778 ha đất lâm nghiệp bị xâm lấn.
Trong số các đơn vị lâm nghiệp bị xâm lấn đất, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông dẫn đầu, với số diện tích đất bị xâm lấn lên đến 5.230 ha.
Trong số diện tích đất bị xâm lấn, cần phải thu hồi hơn 4.100 ha, diện tích còn lại bóc tách, bàn giao lại cho địa phương để chia cho người dân canh tác. Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích bị xâm lấn, hoặc bàn giao lại cho địa phương đều chậm thực hiện.