Nước giếng chuyển màu tím nhạt
Trước kia, khi chưa có điều kiện, gia đình ông Trương Quốc Dũng (trú tại thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong) đào giếng khơi vài mét để lấy nước sử dụng. Ở nơi thấp trũng, gần nhà là các cánh đồng lúa, người dân dùng nhiều thuốc trừ cỏ, trừ sâu, nước giếng lại nhiễm phèn nặng, nên ông Dũng lo lắng. Vì vậy, mấy năm trước, gia đình ông đã đầu tư khoan giếng nước sâu 16 mét và sử dụng cho đến nay.
Hỏi về chất lượng nước giếng khoan, ông Dũng với tay bật công tắc giếng khoan, nước theo đường ống chảy mạnh vào thau nhựa. Ông Dũng lấy lá cây, bỏ vào thau nước mới bơm lên, thì nước lập tức chuyển sang màu tím nhạt. Sau 1 giờ bơm vào thau, bề mặt nước nổi váng, bên dưới thì có cặn, ngửi có mùi lạ.
Trước tình trạng nước giếng khoan bị ô nhiễm, gia đình ông Dũng đi chở nước ở nơi khác về dùng cho ăn uống. Còn các sinh hoạt khác, như tắm giặt, rửa các loại rau, thịt, cá trước khi chế biến thức ăn, thì vẫn dùng nước giếng này.
Ở thôn Vân Hòa có 396 hộ dân. Hàng năm, ở thôn này có nhiều người mắc bệnh ung thư. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước giếng đi kiểm tra và phát hiện nước bị ô nhiễm nặng. Từ đó, người dân không dám ăn uống nước giếng khoan nữa, mà phải đi mua, vận chuyển nước từ nơi khác về.
Toàn xã có 1.400 hộ dân, thì 100% chưa có nước sạch để sử dụng.
Bệnh ung thư tăng đột biến
Nếu xã Triệu Hòa ở nơi thấp trũng, gần sông nên nước giếng bị ô nhiễm, thì xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) ở nơi cao hơn, nhưng nguồn nước giếng cũng nhiễm phèn nặng.
Như ở thôn An Trú của xã Triệu Tài, công trình quan trọng và được ưu tiên đầu tư không phải là ngôi nhà, mà là bể lọc nước. Gia đình bà Hoàng Thị Phương Thanh bỏ ra 15 triệu để lắp hệ thống lọc nước, ngoài ra còn xây thêm 2 bể chứa 8 khối nước.
Cứ nửa năm, bà Thanh thay các lõi than hoạt tính, sửa sang máy lọc nước hết khoảng 5 triệu đồng. Mỗi khi thay các bình lọc, bám bên trong là thứ bùn đặc quánh, có mùi hôi, khiến bà Thanh không thể an tâm về chất lượng nước dù đã cố gắng lọc qua nhiều khâu.
Cạnh nhà bà Thanh là gia đình bà Lê Thị Hồng. Sống cùng chồng đã lớn tuổi trong ngôi nhà nhỏ, điều kiện kinh tế khó khăn, nên bà Hồng không làm bể lọc nước giếng. Nước giếng bơm lên, một lúc là nổi phèn, nhưng bà vẫn sử dụng để nấu nướng, sinh hoạt, dù biết không tốt cho sức khỏe.
Tương tự xã Triệu Hòa, xã Triệu Tài có 6.000 hộ dân, thì cũng 100% chưa được dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Triệu Tài cũng đề cập đến việc ở xã mấy năm gần đây có nhiều người bị bệnh ung thư.
“Nguyên nhân có phải do nguồn nước không thì không rõ, nhưng số lượng người mắc bệnh ung thư tăng đột biến. Mà những người này cũng sử dụng nước giếng” - ông Nguyễn Văn Hùng, nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong, hiện có 11 xã trên địa bàn chưa có hệ thống cấp nước tập trung, đồng nghĩa với việc các hộ dân ở 11 xã này sử dụng nước giếng trong sinh hoạt.
“Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực để từng bước đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch tập trung ở những xã chưa có hệ thống nước tập trung, giúp cho người dân vùng nông thôn được tiếp cận sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh, sức khỏe” - lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong, cho biết.
Vì nguồn lực có hạn, nên dù biết nước giếng mà hàng nghìn hộ dân ở các xã đang sử dụng không đảm bảo, nhưng chưa biết đến bao giờ, hệ thống nước sạch mới được đầu tư ở đây.