Chờ thay đổi diện mạo giao thông
Giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), là một trong những nơi ùn tắc nhất ở TPHCM nhiều năm qua.
Dự án được kì vọng nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài hơn 4 km, mở rộng 25-48 m, 6 làn xe, khởi công tháng 12.2022 với tổng vốn hơn 4.800 tỉ đồng. Công trình dự tính hoàn thành vào tháng 8.2024, giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 và giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, các công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (291 tỉ đồng), mở rộng đường Trường Chinh (2.000 tỉ đồng), mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (670 tỉ đồng),… sẽ được triển khai và hoàn thành năm 2025.
Tương tự, giao thông khu vực cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), Sở GTVT đang đề xuất UBND TPHCM đầu tư đường nối cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3, dài 6 km, 12 làn xe, tổng vốn 8.000 tỉ đồng.
Hiện đoạn Vành đai 2 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội, tổng mức đầu tư gần 9.800 tỉ đồng dự kiến được trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kì họp tháng 7 tới.
Trong khi đó, tuyến Vành đai 3 đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An vừa được khởi công ngày 18.6, dự kiến thông xe kĩ thuật năm 2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2026. Còn Vành đai 4 TPHCM dài khoảng 199 km đi qua TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang được các địa phương hoàn thiện các thủ tục, trình các cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư để khởi công năm 2025.
Đồng thời, TPHCM đang đẩy nhanh các thủ tục để trình Chính phủ thông qua dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 50 km, tổng vốn gần 21.000 tỉ đồng. TPHCM lên kế hoạch khởi công dự án dịp 30.4.2025 để kết nối đồng bộ với dự án Vành đai 3, Vành đai 4.
Đột phá phát triển đường sắt đô thị
Thành phố cũng đang đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch. Trong đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm triển khai sẽ hoàn thành cuối năm nay, khai thác thương mại năm 2024. Trong khi đó, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ được khởi công di dời hạ tầng kĩ thuật (công trình điện, nước, viễn thông) vào ngày 22.6. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt gần 87% với 508 trong tổng 586 trường hợp đã bàn giao. Dự kiến Metro số 2 sẽ có mặt bằng sạch để khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2030.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 24.6. Trong Nghị quyết mới này có nhiều cơ chế để thành phố phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt đô thị.
Ngoài ra, kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ, sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035.
“Hiện Sở GTVT đang cùng với Ban Quản lí đường sắt đô thị TPHCM, đơn vị tư vấn bàn giải pháp đột phá huy động vốn hoàn thiện 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch” - ông Lâm nói.