Nhiều vi phạm
Năm 2019, Nghị định 42 của Chính phủ ra đời quy định xử phạt rất nặng các hành vi vi phạm trong khai thác thủy hải sản, được kỳ vọng sẽ đủ sức răn đe, giúp nghề cá Quảng Nam đi vào nề nếp, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, dù đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, tuyên truyền cụ thể về Luật Thủy sản nói chung, Nghị định 42 nói riêng cho ngư dân nắm bắt, nhưng hoạt động khai thác thủy hải sản trái phép vẫn tồn tại dai dẳng.
Các lỗi vi phạm phổ biến như: Ngư dân theo nghề câu mực khơi, tắt thiết bị giám sát hành trình và khai thác hải sản bên ngoài vùng biển của nước nhà; phương tiện được ngư dân đăng ký khai thác các nghề xa bờ nhưng thực chất là làm nghề giã cào gần bờ; ngư dân sản xuất sai ngư trường, từ tuyến xa bờ vào tuyến lộng (nghề lưới vây, lưới chụp), từ tuyến lộng sang ven bờ (nghề giã cào, pha xúc)...
Thượng tá Trần Văn Hóa - Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) cho biết, từ 2022 đến nay, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, tham mưu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra quyết định xử phạt 5 vụ và phối hợp với Chi cục Thủy sản lập biên bản, xử lý 36 vụ, với các hành vi vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, vi phạm quy định về vùng khai thác hải sản.
Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP Hội An) cũng đã trực tiếp phát hiện, xử lý 31 vụ/31 phương tiện, phạt tiền hơn 140 triệu đồng. Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xử lý 2 vụ/2 phương tiện, phạt tiền 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát của đơn vị đối với các phương tiện tàu cá hiện nay ở bãi ngang gặp không ít khó khăn, các phương tiện không đủ giấy tờ lợi dụng đêm tối vượt trạm vẫn còn diễn ra.
Cần quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân
Tỉnh Quảng Nam hiện có 2.715 tàu cá, trong đó, có đến 720 chiếc hoạt động vùng lộng và vùng bờ là 1.338 chiếc. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm, vấn đề nổi cộm hiện nay là nhu cầu chuyển đổi nghề đối với những ngư dân đang hành nghề, nhưng bị cấm khai thác.
Đầu tháng 7.2023, tàu cá của ông Trần Đ (63 tuổi, trú xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) đang sử dụng phương tiện giã cào để khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ). Tàu bị lực lượng biên phòng bắt giữ. Thời điểm trên, tàu cá của ông Đ thực hiện cào đáy bằng khung sắt, kết hợp với tàu kéo ở vùng ven bờ, gây tận diệt nguồn thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến nghề khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân xã Tam Thanh và môi trường biển.
Từ tháng 4.2023 đến nay, có gần 200 lượt ngư dân là chủ phương tiện giã cào hoạt động gần bờ (như ông Trần Đ) nhiều lần đến kiến nghị chính quyền và Đồn biên phòng Cửa Đại để xin tạo điều kiện cho tiếp tục hành nghề giã cào ven bờ. Tuy nhiên, đây là hoạt động khai thác đã bị cấm nên đơn vị đã phối hợp, tham mưu chặt chẽ chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động chủ phương tiện giã cào hoạt động gần bờ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, để giải quyết triệt để vấn đề, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân vươn khơi, bám biển thì cần có chính sách phù hợp hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm phù hợp cho các ngư dân này, đồng thời, các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ ngư dân đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ và chứng chỉ khi ra khơi.