TPHCM lần thứ 2 trình đề án Cảng Cần Giờ, làm rõ tác động đến cảng Cái Mép

MINH QUÂN |

TPHCM – UBND TPHCM vừa có lần thứ 2 trình Thủ tướng Chính phủ đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sau lần đầu hồi tháng 8.2023. Lần này, TPHCM phân tích rõ tác động khi xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến khu cảng trong khu vực, nhất là hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Cảng Cần giờ sẽ tác động tích cực đến cảng Cái Mép

Trước đó, sau khi TPHCM trình đề án, tháng 9.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu TPHCM khẩn trương làm rõ luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của bến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Cảng Cần Giờ) với các bến cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, đánh giá ảnh hưởng giữa phát triển bến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, UBND TPHCM cho biết đã tổ chức buổi hội nghị để nghe ý kiến góp ý đề án của Bộ Giao thông Vận tải, bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh thành liên quan trong Vùng Đông Nam Bộ, UBND tỉnh Long An, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý cảng và cơ quan, đơn vị liên quan.

Đến nay, UBND TPHCM đã nhận được 13/16 văn bản góp ý kiến của 10 bộ ngành và 3 tỉnh liên quan. Từ đó, thành phố hoàn chỉnh đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo chỉ đạo.

Vị trí đề xuất xây cảng Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Vị trí đề xuất xây cảng Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Về tác động Cảng Cần Giờ đến khu cảng biển trong khu vực (cảng biển Nhóm 4), đối với hàng trung chuyển quốc tế, theo đề án, dư địa để phát triển các cảng trung chuyển quốc tế mới trong khu vực Đông Nam Á còn khoảng 12,8 triệu Teu (1 Teu tương đương với 1 container 20 feet) vào năm 2030, khoảng 32,6 triệu Teu vào năm 2040 và khoảng 52,3 triệu Teu vào năm 2050.

Dự kiến hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 đạt khoảng 3,6 triệu Teu (tỉ lệ khoảng 75%) và đến năm 2047 đạt 12,67 triệu Teu (tỉ lệ khoảng 75%).

"Khi Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thu hút 3,6 triệu Teu (chiếm khoảng 28% nhu cầu tăng thêm của khu vực Đông Nam Á), phần khối lượng còn lại là 9,2 triệu Teu là cơ hội cho cảng Cái Mép và các cảng khác trong khu vực" - đề án phân tích.

Đề án kết luận, dự báo hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua Cảng Cần Giờ nêu trên là phù hợp với dự báo nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế của khu vực Đông Nam Á và không ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch phát triển các khu bến cảng trong khu vực.

Ngược lại, việc hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thu hút hoạt động trung chuyển về khu vực Cái Mép - Cần Giờ sẽ có tác động tích cực đến khu Cái Mép, thu hút các hãng tàu khác thiết lập hoạt động trung chuyển tại Cái Mép.

Đối với hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, dự báo luồng khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua tại Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 1,2 triệu Teu, chiếm khoảng 4% - 6% tổng khối lượng hàng hóa dự báo thông qua Nhóm cảng biển số 4; chiếm khoảng 10,4% - 11,1% khối lượng hàng hóa dự báo thông qua cảng biển TPHCM; chiếm khoảng 7,7% - 9,6% dư địa khối lượng dự báo hàng container xuất nhập khẩu của cảng biển Nhóm 4.

"Khi hình thành Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiện trạng khai thác và quy hoạch phát triển cảng biển Nhóm 4, trong đó có cảng biển TPHCM và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu" - đề án kết luận.

Tại Hội nghị lấy ý kiến đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (ngày 19.10.2023), các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cảng và cơ quan, đơn vị liên quan đã nêu ý kiến và đồng quan điểm chung là: làm Cảng trung chuyển Cần Giờ là bổ sung cùng với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và nâng tầm toàn bộ cụm cảng biển số 4 thành một trung tâm cảng biển quốc gia, tầm quốc tế trong tương lai, nâng vị trí đất nước lên; cộng hưởng lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, không có xung đột lợi ích.

Khai thác Cảng Cần Giờ giai đoạn 1 trước 2030

Theo đề án, vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.

Quy mô dự án ước tính khoảng 571 ha, cầu cảng chính dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 Teu) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container đứng tốp đầu thế giới đề xuất.

TPHCM muốn triển khai xây dựng và khai thác cảng Cần Giờ trước năm 2030.  Ảnh: Portcoast
TPHCM muốn triển khai xây dựng và khai thác Cảng Cần Giờ trước năm 2030. Ảnh: Portcoast

Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.

Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 - 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Siêu dự án cảng Cần Giờ cần lấy 86ha đất rừng nhưng sẽ trồng 258ha thay thế

MINH QUÂN |

TPHCM – Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhu cầu sử dụng hơn 86ha đất rừng phòng hộ nhưng sẽ trồng rừng thay thế gấp 3 lần, với tổng diện tích 258 ha.

Kết hợp Cảng Cái Mép và Cần Giờ để đủ sức cạnh tranh thế giới

MINH QUÂN |

TPHCM - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng Đông Nam Bộ gồm cảng Cái Mép và Cần Giờ. Hai cảng này sẽ kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn của thế giới, chứ không phải để cạnh tranh nhau.

Thủ tướng lưu ý khi làm siêu cảng biển gần 129.000 tỉ đồng ở Cần Giờ

MINH QUÂN |

TPHCM - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị việc lấy ý kiến đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần xoay quanh việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và yếu tố cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải.

1 tuần sau bão Yagi, các cây xanh bị gãy đổ ở Hà Nội ra sao?

Nhật Minh |

Hà Nội - Một tuần kể từ ngày bão số 3 (bão Yagi) quét qua, nhiều tuyến phố lớn vẫn ngổn ngang cây xanh gãy đổ.

Tìm thấy 2 nạn nhân mất tích tại xã du lịch Nghĩa Đô

Đinh Đại |

Lào Cai - Đến nay, thi thể 2 nạn nhân mất tích do mưa lũ, sạt lở đất tại xã du lịch Nghĩa Đô đã được tìm thấy.

Trực tiếp bóng đá Hà Nội FC 0-0 Bình Định: Hiệp 1

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và Bình Định tại vòng 1 V.League 2024-2025, diễn ra lúc 19h15 hôm nay (14.9).

Cáo buộc 18 lần nhận 14 tỉ đồng của cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị cáo buộc nhận tiền của hai doanh nghiệp trúng thầu, hoặc trực tiếp hoặc qua cấp dưới.

Tái khởi động dự án 1.300 tỉ đồng sau phản ánh của Lao Động

NHÓM PV |

Điện Biên - Sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh "Khổ vì dự án giao thông 1.300 tỉ chậm tiến độ", các nhà thầu đã huy động tối đa máy móc, nhân lực để thi công.