TPHCM ồ ạt đào đường, làm vỉa hè: Sao cứ phải làm dịp cuối năm?

MINH QUÂN |

Cuối năm, nhiều công trình đào đường, làm vỉa hè diễn ra hầu hết tại các quận, huyện ở TPHCM đã ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Đào xới khắp nơi

Gần nửa tháng nay, đơn vị thi công cào mặt đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) để tráng nhựa gây bụi mù mịt. Nhiều người đi xe máy nheo mắt, dùng tay bịt mũi khi chạy ngang, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Bà Nguyễn Thị Lan - bán quán cơm ngay mặt đường Điện Biên Phủ - ngao ngán: “Ai cũng biết làm cho đường đẹp hơn nhưng sao cứ phải dịp cuối năm mới làm. Mùa người ta làm ăn, nhà nhà chuẩn bị nhà cửa sạch đẹp đón Tết thì lại cày xới bụi mù mịt từ sáng tới tối thì làm sao chịu nổi”.

Tương tự, khoảng 10 ngày nay, người dân sống trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) mệt mỏi khi vỉa hè bị cào xới lên để sửa chữa, lát lại gạch. Trong đó có những đoạn đã được san lấp và lát lại gạch nhưng một số đoạn còn nham nhở, người dân phải dùng ván lót tạm để đi qua. Anh Nguyễn Văn Đông - chủ cửa hàng bán quần áo - than: “Quanh năm không làm, cuối năm người ta buôn bán chạy hàng lại đè ra xới tung lên. Bụi bặm mù mịt thế này, nhà cửa còn phải đóng cửa im ỉm chứ bán buôn gì nổi”.

Đầu tháng 10, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM khởi công sửa chữa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại đây. Đơn vị thi công bắt đầu rào chắn một số đoạn trên tuyến đường này để chuẩn bị thi công. Việc này khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc còn lan sang đường Ung Văn Khiêm, đoạn từ giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến khu vực chân cầu Sài Gòn.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện toàn thành phố có tổng số 123 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, có rất nhiều dự án được cấp phép thi công từ ngày 25.9, tức trong giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4.

Chạy giải ngân...

Lý giải vì sao tới cuối năm còn cấp phép ồ ạt cho các công trình, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, các công trình chủ yếu thuộc quản lý của quận, huyện và được xây dựng kế hoạch, đăng ký vốn, báo cáo về UBND TPHCM từ đầu năm. Tuy nhiên các thủ tục dự toán, đấu thầu và đặc biệt là giải ngân vốn diễn ra rất chậm. Thông thường, các dự án được duyệt từ đầu năm nhưng phải đến quý 3, quý 4 mới được cấp vốn để thi công. Mặt khác, thời gian trình dự án để được phê duyệt cấp phép thi công phụ thuộc vào chủ đầu tư, cơ quan quản lý dù biết phiền cho người dân nhưng cũng không làm khác được. Do đó tình trạng dồn dự án, đồng loạt khởi công vào giai đoạn cuối năm gần như năm nào cũng diễn ra.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc làm đường, làm vỉa hè rầm rộ cuối năm là các quận, huyện “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân, gom số ngân sách còn dư đổ vào các dự án làm dịp cuối năm vì không muốn phải trả lại cho thành phố. Các dự án đào đường thì dễ làm, đào lên lấp lại lúc nào cũng được. Không ngoại trừ trường hợp giữa năm, tiền dự án này lại được huy động làm dự án khác, cuối năm mới cân đối được để triển khai.

Theo ông Võ Kim Cương, chạy giải ngân cuối năm là căn bệnh cố hữu đã diễn ra hàng thập niên nay. Để chữa căn bệnh này, không có cách nào ngoài việc UBND TPHCM phải siết chặt quản lý. Đối với kế hoạch các dự án mà quận, huyện trình lên từ đầu năm, phân bổ vốn phải đi kèm với yêu cầu thời gian thực hiện. Sau đó giám sát thật kỹ, nếu quận, huyện không làm đúng kế hoạch thì thu lại vốn, thậm chí yêu cầu bồi thường. “Chỉ có xử phạt thật nghiêm, công khai, minh bạch mới mong giảm tình trạng này” - ông Cương  nói.

Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, năm 2019, tổng vốn Sở GTVT được giao là hơn 2.800 tỉ đồng. Trong 11 tháng đầu năm, giá trị thực hiện được hơn 2.296 tỉ đồng (79,6%), giá trị giải ngân đạt hơn 2.034 tỉ đồng (70,5%).

Đối với các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, tổng vốn giao là hơn 3.742 tỉ đồng. 11 tháng đầu năm 2019 giá trị thực hiện được hơn 2.122 tỉ đồng (56,7%), giá trị giải ngân đạt hơn 1.844 tỉ đồng (49,3%). M.Q

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Đào đường, lát đá vỉa hè khiến Hà Nội "mù mịt", người dân nói gì?

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Những ngày qua, nhiều tuyến phố Hà Nội như: Thái Hà, Trần Xuân Soạn, Hồ Xuân Hương, Hàng Chuối,… bị đào xới để chôn lấp đường ống và lát đá vỉa hè khiến phố Hà Nội biến thành "đại công trường".

Cuối năm, vỉa hè Hà Nội "xới tung", nhiều tuyến phố bụi mù mịt

KIM ANH - TRẦN THÙY |

Dịp gần cuối năm, nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được sửa chữa, lát mới. Nhiều công trình đang thi công bụi bặm, ngổn ngang.

Hải Phòng: Cải tạo đường ngõ, vỉa hè xuống cấp

PV |

Sau khi rà soát các ngõ, ngách xuống cấp, Hải Phòng đã hỗ trợ vật tư cho nhiều quận cải tạo, nâng cấp những tuyến đường này đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.