Vỉa hè trước nhà, người khác có được đến thuê?
Chiều 19.9, HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Theo đó, TPHCM sẽ bắt đầu thu phí lòng đường, vỉa hè từ ngày 1.1.2024.
Mức phí được dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết, UBND TPHCM sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện.
Hiện Sở GTVT và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Khi khảo sát các tuyến, ưu tiên lớn nhất vẫn là vỉa hè phải đảm bảo còn đủ 1,5m cho người đi bộ.
Theo ông Ngô Hải Đường, khi muốn ban hành danh mục các tuyến đường, cơ quan quản lí phải tổ chức tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư khu vực đó rồi mới triển khai. Từng tuyến đường sẽ có phương án cho sử dụng lòng đường, hè phố cụ thể, chứ không làm đại trà, vội vã.
Nếu vỉa hè được cho thuê để tổ chức, cá nhân làm bãi giữ xe có thu phí dịch vụ, các địa phương sẽ lên phương án cụ thể, trên cơ sở đó tổ chức đấu giá bài bản, vì đây là tài sản công.
Về việc nếu diện tích vỉa hè đủ tiêu chí cho thuê nhưng nhà dân ở đó không có nhu cầu thuê kinh doanh thì người ở nơi khác có được thuê hay không? Đại diện Sở GTVT cho biết, quan điểm là ưu tiên những hộ gia đình có vỉa hè trước mặt nhà được thuê để kinh doanh. Ai có thu cầu thuê để kinh doanh hoặc giữ xe thì phải đăng ký với quận, huyện, xác định diện tích, sơn kẻ vạch cụ thể.
Nếu nhà nào không có nhu cầu sẽ để trống, không để tình trạng lấn chiếm, xung đột lợi ích giữa người khác đến thuê và người dân đang ở. Vì vậy, các quận, huyện phải lên chi tiết cụ thể từng vị trí, trao đổi với từng hộ dân để có thông tin chính xác. “Mục đích của đề án là để quản lí vỉa hè, lòng đường tốt hơn, không đặt nặng mục tiêu thu tiền” - ông Đường nhấn mạnh.
Giám sát việc thu phí thế nào?
Theo ông Ngô Hải Đường, Sở GTVT đang xây dựng công cụ, phần mềm quản lí và cấp phép cho thuê lòng đường, vỉa hè. Người dân có thể giám sát trực tiếp qua ứng dụng để biết những khu vực có phép hay không, phương án sử dụng thế nào, đã đóng phí hay chưa. Hình thức thu phí ưu tiên thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Thành phố sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình từ khâu đề nghị của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đến bước cấp phép, chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
UBND TPHCM sẽ giao Sở GTVT và UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra Xây dựng, Đội quản lý trật tự đô thị và UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát, xử lí các trường hợp vi phạm.
“Trước khi cho thuê, cơ quan chức năng sẽ sơn kẻ vạch, tính tiền thuê theo diện tích. Nếu người thuê cố tình vi phạm, lấn chiếm… sẽ nhắc nhở. Trường hợp vi phạm 2 lần sẽ thu hồi giấy phép” – ông Đường nói.
Sau khi tính toán lại, Sở GTVT TPHCM dự kiến mỗi năm, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gần 800 tỉ đồng (thấp hơn con số 1.500 tỉ trong dự thảo đề án trước đó).
Đây là một thách thức lớn, bởi nếu nhìn lại sau gần 5 năm triển khai thu phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường (tính từ tháng 8.2018 đến hết tháng 2.2023), TPHCM chỉ thu được hơn 13 tỉ đồng - thấp hơn nhiều so với con số kì vọng trước khi thu là 7 tỉ đồng mỗi tháng.
Đại biểu HĐND TPHCM Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lí TPHCM cho rằng, khi tiến hành triển khai thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường thì vai trò, trách nhiệm của lực lượng thu phí rất quan trọng. Trong đó, cần có chế tài xử phạt những người không làm tròn trách nhiệm.
“Khi triển khai yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Cần tiêu chí cũng như chế tài đối với lực lượng thu phí để ngăn chặn hành vi vượt rào như thu tiền bỏ túi riêng” – ông Thắng nói.