Những ngày qua, bảng điểm đẹp với toàn điểm 10 của học sinh có nguyện vọng đăng ký thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Khi nhìn bảng điểm toàn điểm 10 này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ quan điểm không nên tồn tại mô hình trường chuyên, hoặc chuyển mô hình trường này cho tư nhân.
Lập luận được đưa ra là trường chuyên tồn tại nhiều bất cập như: Bất công, là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Đồng thời việc chạy đua để vào ngôi trường này khiến có thể nảy sinh các tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng...
Lập luận trên đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, phụ huynh, học sinh.
Mô hình trường chuyên vẫn cần thiết
Theo bà Nguyễn Thị Thu - người đồng sáng lập Trường mầm non Tsubaki, mô hình trường chuyên vẫn cần thiết và nên có những đổi mới thay vì xóa bỏ.
Vì tư duy của phụ huynh luôn muốn con học trường chuyên để làm rạng danh gia đình nên có rất nhiều bộ hồ sơ dự thi vào trường chuyên Amsterdam. Vì chỉ tiêu tuyển sinh có hạn trong khi hồ sơ nộp vào nhiều nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí xét tuyển học bạ, giải thưởng để sàng lọc.
Tuy nhiên đó lại giống như liều doping, phụ huynh tiếp tục đưa con mình vào một cuộc đua để có được bảng điểm đẹp, có các giải thưởng. Đó là lý do để tiêu cực xuất hiện.
"Tư nhân hóa trường chuyên Amsterdam hay các trường chuyên không phải là cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Có cầu thì phải có cung. Nên điều quan trọng là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình"- bà Thu nêu quan điểm
Còn theo Bùi Nguyên - cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam khóa 2014-2017 bày tỏ không đồng tình với quan điểm cho rằng trường chuyên là trường dành cho con nhà giàu, có tiềm lực mới đua được vào trường chuyên.
"Trường Amsterdam là một trong những trường đi đầu về hoạt động ngoại khóa. Trong trường không chỉ có các câu lạc bộ học thuật mà còn có nhiều câu lạc bộ nghệ thuật, qua đó giúp học sinh nhìn nhận được những điểm mạnh của bản thân và tỏa sáng với chính điểm mạnh đó" - Nguyên cho biết.
Liên quan đến quan điểm có nên tư nhân hóa trường chuyên, chị Nguyễn Thu Hường (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng việc tư nhân hóa trường chuyên lúc này là không nên bởi sự thay đổi này cần phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.
"Người Việt Nam chủ yếu có thu nhập thấp, việc đầu tư cho giáo dục của các gia đình Việt Nam đã cải thiện hơn nhưng không phải là quá nhiều (trừ gia đình có điều kiện).
Tư nhân hóa một cơ sở công lập tức là học phí cũng tăng lên, vì vậy sẽ có nhiều học sinh nghèo học giỏi sẽ mất đi cơ hội được học trong các ngôi trường chuyên nhiều anh tài. Nếu tất cả các trường chuyên tư nhân hóa thì có lẽ sân chơi tri thức bậc sâu sẽ chỉ chủ yếu dành cho gia đình có điều kiện" - chị Hường phân tích.
Giữ mô hình nhưng cần thay đổi tư duy giáo dục
Bên cạnh các ý kiến phản đối, cũng có một số ý kiến bàn luận về vấn đề thay đổi tư duy trong cách giáo dục tại mô hình trường chuyên trên cả nước.
Chị Vũ Thị Huyền (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình) đề xuất nên có nhiều trường năng khiếu hơn là trường chuyên.
"Giỏi âm nhạc, hội họa, thể thao hay giỏi về kiến thức khoa học, xã hội cũng đều là giỏi. Tuy nhiên ở Việt Nam đa phần chỉ có trường chuyên cho kiến thức. Còn tài năng khác thì được xếp vào trường năng khiếu.
Tư duy này tạo nên cuộc chạy đua, áp lực đặc biệt cho các trường chuyên, lớp chọn không chỉ riêng ở chuyên Amsterdam. Nếu tất cả được nhìn nhận một cách công bằng thì nên phát triển thành các trường năng khiếu. Các em học sinh cũng sẽ giảm bớt được sức ép, căng thẳng và có thời gian học tập những gì mình yêu thích" - chị Huyền cho hay.
Đồng quan điểm với chị Huyền, bà Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng tư duy về giáo dục phải thay đổi theo hướng khai phóng để học sinh được phát triển toàn diện.