Vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản.
Vệ tinh MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).
Vệ tinh này được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013 - 2017.
Mục đích chính của vệ tinh này là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro.
Vệ tinh này sẽ chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.
Trước đó, năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.