Bác sĩ đi ăn cơm vì nghĩ không có bệnh nhân
Ngày 29.10, bác sĩ Trần Ngọc Minh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông - cho biết, đơn vị đã tiến hành cuộc họp về thông tin một bệnh nhi bị tai nạn giao thông tới khoa Ngoại để khám chữa bệnh nhưng không thấy bác sĩ có mặt ở khoa.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo bệnh viện cùng xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Krông Bông, khoảng 17h40 chiều 19.10, do không thấy bệnh nhân nên các y, bác sĩ và nhân viên khoa Ngoại tranh thủ ra căng-tin bệnh viện ăn cơm.
Ngay khi nhận được tin báo của điều dưỡng về trường hợp bệnh nhi nhập viện, các bác sĩ bỏ dở bữa cơm đang ăn để trở về làm việc.
“Qua các cuộc họp, xét thấy đó không phải là không bỏ trực mà là các anh em đi ăn cơm nên không đưa ra hình thức kỷ luật gì mà phê bình rút kinh nghiệm cả kíp trực hôm đó” - bác sĩ Minh cho hay.
Bộ Y tế yêu cầu báo cáo
Sau khi báo chí lên tiếng, Bộ Y tế đã có yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk có báo cáo ban đầu. Thông tin từ Sở Y tế cho hay, chiều 19.10, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông tiếp nhận bệnh nhi T.V.T (SN 2005, trú thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) bị tai nạn giao thông.
Tình trạng bệnh nhi tỉnh táo, có vết thương dập phần mềm ở vùng trán, máu chảy lan ra vùng mặt nhưng đã ngưng chảy, chỉ còn rỉ máu. Điều dưỡng khoa Cấp cứu nhận bệnh và hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhi lên khoa Ngoại để xử lý.
Người nhà đưa bệnh nhi lên khoa Ngoại nhưng không thấy cán bộ y tế nên đã quay lại khoa Cấp cứu. Lúc này, bác sĩ Lê Văn Trung - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ (người trực lãnh đạo) và một điều dưỡng đang có mặt ở khoa. Điều dưỡng hướng dẫn người nhà lên khoa Ngoại và điện thoại thông báo với bác sĩ khoa Ngoại.
Tại thời điểm nhận bàn giao của phiên thường trực trước và phiên thường trực sau tại khoa Ngoại, vì không có bệnh nhân mới và tưởng còn cán bộ của phiên thường trực trước tại khoa nên phiên thường trực sau tranh thủ đi ăn cơm tại căng-tin bệnh viện (cách khoa 50m).
Sau khi nhận được điện thoại, điều dưỡng Phan Đình Ba (khoa Ngoại) đã trở về và xử lý băng ép vết thương cho cháu T. Sau đó, người nhà xin chuyển tuyến đưa bệnh nhi lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên và được thăm khám, xử lý vết thương rồi cho về ngay trong đêm.
Báo cáo của Sở Y tế khẳng định, trong quá trình tiếp nhận và xử lý cấp cứu bệnh nhi, người nhà không có ý kiến phàn nàn gì và thông cảm cho việc chờ cán bộ y tế vài phút từ căng-tin về. Người quay clip đưa lên mạng xã hội Facebook không phải là người nhà bệnh nhi.
Thời gian bệnh nhi vào viện đến lúc được xử lý vết thương khoảng 5-6 phút và thời gian từ lúc vào viện cho đến khi chuyển viện chỉ khoảng 20 phút.
Sở Y tế đã chỉ đạo giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông căn cứ mức độ vi phạm của các cá nhân, tập thể liên quan để xử lý theo quy định hiện hành.