Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một điển tích của Phật giáo liên quan tới quá trình giải cứu linh hồn mẹ đang bị đày ở địa ngục của tôn giả Mục Kiền Liên - một trong mười đệ tử lớn của đức Phật.
Theo điển tích này, mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên khi sinh thời làm nhiều điều ác, theo luật nhân quả, khi chết linh hồn bà bị đày xuống địa ngục.
Tôn giả Mục Kiền Liên vì thương mẹ nên đã xin đức Phật chỉ cách cứu linh hồn mẹ để bà được siêu thoát.
Đức Phật bấy giờ chỉ tôn giả Mục Kiền Liên tới nhờ các chư tăng chú nguyện giúp linh hồn mẹ vào ngày Rằm tháng Bảy, vì sau ba tháng kết hạ, các chư tăng có nhiều năng lượng.
Sau khi được các chư tăng giúp đỡ, linh hồn mẹ của tôn giả cùng nhiều cô hồn bơ vơ khác được siêu thoát, từ đó người ta gọi ngày Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, mùa Vu Lan, báo hiếu.
Từ điển tích này, theo Thượng toạ Thích Trường Xuân, Trụ trì chùa Long Đẩu (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), đức Phật muốn hướng con người ta tới cái thiện.
Điển tích về nguồn gốc của lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần là cúng bái khi cha mẹ đã khuất núi, điển tích này còn hướng con người tới những hành động báo hiếu, tri ân cha mẹ ngay khi họ còn sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về ngày lễ trọng này.
Lý giải nguyên nhân, Thượng toạ Thích Trường Xuân cho biết, theo luật nhân quả của Phật giáo, con người ta khi sống gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, quả báo có thể nhãn tiền, hoặc theo ta khi chết đi xuống âm ti, địa phủ.
Cho nên, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ, lo cho cha mẹ miếng ăn, thức uống và chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, thì việc sống làm sao cho cha mẹ được vui vẻ, tránh tạo nghiệp mới là điều quan trọng.
“Khi cha mẹ còn sống, vì chúng ta ngỗ nghịch, không nghe lời khiến họ phải quát mắng, như vậy vô tình chúng ta đã khiến cha mẹ phạm vào khẩu nghiệp. Hay như khi chúng ta không nghe lời khiến cha mẹ bực mình mà nguyền rủa, như vậy ta đã vô tình khiến cha mẹ phạm phải ác nghiệp. Để tránh cho cha mẹ không tạo nghiệp, việc của con cháu trước tiên là sống sao cho cha mẹ vui lòng”, Thượng toạ Thích Trường Xuân nêu ví vụ.
Một nguyên nhân nữa có thể khiến cho nhiều người đang hiểu không đúng về lễ Vu Lan, theo Thượng toạ Thích Trường Xuân là do nhiều nhà sư đi tu chỉ cống hiến cái tâm của mình với chùa và tụng kinh, niệm phật, nhưng chính những vị sư này cũng không hiểu rõ về nguồn gốc của lễ Vu Lan.
“Các nhà sư ấy không hiểu mối liên hệ giữa đạo và đời, cho nên khi giảng giải cho các phật tử cũng không tới, khiến nhiều phật tử không hiểu về lễ Vu Lan và điển tích liên quan tới ngày lễ này trong kinh Phật”, Thượng toạ Thích Trường Xuân nói.