Công nhân khó tiếp cận nhà giá rẻ
Trên địa bàn TP.Thanh Hóa hiện nay, mặc dù có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy, phân xưởng, thế nhưng hiện mới chỉ có một khu nhà ở xã hội dành cho công nhân ở Khu Công nghiệp Lễ Môn (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa). Dự án này được khởi công xây dựng năm 2013 và hoàn thành, đưa vào sử dụng quý IV năm 2016, với quy mô 2 khu nhà 5 tầng, tổng cộng có hơn 190 căn hộ.
Theo nhiều người dân sinh sống tại đây, mặc dù hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 190 căn hộ, tuy nhiên có rất ít công nhân lao động được tiếp cận, mua nhà và sinh sống tại đây. Lý do là giá bán các căn hộ này vẫn đang ở mức cao (dao động từ trên 300 đến 500 triệu đồng/căn). Cùng với đó, việc tiếp cận các gói vay ưu đãi để mua nhà còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cả 2 khu nhà trên gần như đã bán hết các căn hộ, trong số đó, người mua đa phần không phải là công nhân đang làm việc ở khu công nghiệp. Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân nhưng đối tượng thụ hưởng lại không hẳn là công nhân, bởi các căn hộ này vẫn được bán ở mức giá cao, công nhân khó tiếp cận vốn vay và phải chọn cách đi thuê trọ.
Hiện nay, một dự án khác cũng đang được triển khai tại Khu công nghiệp Lễ Môn, đó là khu nhà ở xã hội dành cho công nhân do Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai năm 2020, trên diện tích hơn 66.000 m2, quy mô 8 tòa nhà cao 9 tầng, với tổng số hơn 1.000 căn hộ. Dự án này đang được kỳ vọng sẽ giúp người lao động sớm tiếp cận với nhu cầu nhà ở dành cho công nhân.
Cấp thiết giải quyết nhà ở cho công nhân khu công nghiệp
Tháng 1.2022, Bộ Xây dựng có công văn số 261/BXD-QLN, gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Tiến hành rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, xây dựng hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp đó.
Dù Bộ Xây dựng đã có yêu cầu rõ đến các địa phương, tuy nhiên theo tìm hiểu được biết, tại tỉnh Thanh Hóa hiện đang rất hiếm nhà ở xã hội dành cho công nhân. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (ở Khu công nghiệp Lễ Môn) cho biết, hiện nay, mới chỉ có ít các công ty, nhà máy đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động. Còn ở các khu công nghiệp thì hầu như chưa có, chỉ duy nhất ở Khu công nghiệp Lễ Môn có 2 dự án nhà ở xã hội, một đã hoàn thành đưa vào sử dụng, một vẫn đang triển khai hoàn hiện. Tuy nhiên, các căn hộ tại đây đang bán với mức giá còn cao và công nhân lao động chưa đủ điều kiện “với tới” được.
Theo ông Quang, có 4 nguyên nhân khiến công nhân lao động (ở Thanh Hóa) chưa thể tiếp cận với các nhà ở xã hội, nhà giá rẻ: Thứ nhất, trên địa bàn toàn tỉnh đang rất hiếm các loại nhà này; thứ 2 nếu có thì giá ưu đãi chưa được nhiều; thứ 3 là công nhân tiếp cận với nguồn vốn vay để mua nhà có phần khó khăn; thứ 4 là nhiều tiện ích kèm theo (trường học, sân chơi, siêu thị…) ở các khu nhà gần như chưa có. Bên cạnh đó, do chi phí sinh hoạt ở thành phố khá cao, trong khi gia đình, con cái của các công nhân (làm việc xa nhà) vẫn đang sinh sống, làm việc ở quê. Vậy nên, người lao động đang “ưu tiên”, chọn phương án thuê phòng trọ nhằm đỡ phần tốn kém.
“Giải pháp căn cơ nhất vẫn là ngay từ đầu khi quy hoạch khu công nghiệp cần triển khai bài bản, đầy đủ các thiết chế cho công nhân lao động. Cụ thể, song song với việc xây dựng nhà máy sản xuất, khu công nghiệp thì phải đồng bộ xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng trường học, trạm xá, công trình phúc lợi… cho chính công nhân và gia đình của họ” - ông Quang chia sẻ.