Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xung quanh câu chuyện này.
- Vì sao Yên Bái quyết định mở lại mọi hoạt động khi tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương trong cả nước còn nhiều căng thẳng?
Việc Yên Bái mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế trong tỉnh dựa trên quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là phải quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế. Thứ nhất là giúp cho chính địa phương chúng tôi. Đồng thời cũng là cố gắng đóng góp một phần nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Từ ngày 27.4 - ngày xuất hiện ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly và cũng là ca COVID-19 đầu tiên của cả nước trong đợt dịch lần 4, Yên Bái đã nỗ lực kiểm soát và cho đến nay không có bất cứ ca bệnh nào lây nhiễm hoặc khởi phát cộng đồng.
Đã hơn 4 tháng trôi qua. Yên Bái vẫn là 1 tỉnh vùng xanh, người dân cơ bản đang được bảo vệ an toàn. Chúng tôi nghĩ cũng cần phải mạnh dạn mà làm. Không có lý gì để trì hoãn nữa. Người dân có quyền được tự do làm ăn, phát triển kinh tế trở lại.
- Đâu là bí quyết giúp Yên Bái giữ vững là tỉnh vùng xanh?
Đối với Yên Bái có 6 vấn đề căn cốt:
Đầu tiên là công tác chỉ đạo điều hành. Trong thời gian qua, chúng tôi đã có sự thống nhất, liên thông đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở. Các khớp nối hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Đặc biệt là vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở (xã, phường, thị trấn), các tổ COVID cộng đồng nơi thôn, bản được phát huy hết sức tích cực.
Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ người đi, đến từ vùng dịch. Thời gian qua, các chốt kiểm dịch trên địa bàn cơ bản phát huy hiệu quả: Vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vừa phát hiện kịp thời các ca F0, các trường hợp có nguy cơ cao để cách ly, điều trị an toàn. Trong đó, có cả những trường hợp lẽ ra không được di chuyển về từ những nơi đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tất nhiên, tiên quyết vẫn là vấn đề ai ở đâu ở nguyên đó nhưng không phải vì thế mà cứng nhắc đến cực đoan. Họ đã lỡ về đến địa bàn tỉnh rồi thì tỉnh sẽ tiến hành xét nghiệm và cho đi cách ly miễn phí 100%. Yên Bái hiểu rằng, nếu càng cấm cản, thì họ sẽ có thể đi “chui” qua các đường mòn, lối mở và càng dễ xảy ra nguy cơ để F0 xâm nhập vào địa bàn. Chúng tôi chấp nhận để họ về trong trật tự qua các chốt kiểm dịch và chính quyền sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Thứ ba, bản thân trong nội bộ tỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nhất là thông điệp 5K của Bộ Y tế. “Ý thức người dân” chính là từ khóa quan trọng nhất trong hành trình vượt qua khó khăn này. Nhân dân không chỉ chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền, mà còn phát hiện, phản ánh, tố giác các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, Yên Bái duy trì xét nghiệm tầm soát thường xuyên ở những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm như tại các chợ dân sinh, công ty, xí nghiệp… tới đây là trường học.
Thứ năm, điều chỉnh chiến lược tiêm chủng vaccine hợp lý. Trước đây, việc tiêm vaccine được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tại Nghị quyết 21. Nay vì vaccine về Yên Bái chưa được nhiều nên chúng tôi có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Trong những đợt vaccine được cấp phát tới đây, chúng tôi xác định, những lực lượng tuyến đầu và tham gia phòng chống dịch là phải ưu tiên số 1. Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm sớm cho các trường hợp phụ nữ mang thai, người cao tuổi, có bệnh nền, các địa bàn, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao…
Bên cạnh đó, dù biết là rất khó nhưng ngoài nguồn vaccine được Bộ Y tế phân bổ, Yên Bái cũng đang thử nhiều cách để tìm kiếm, tiếp cận thêm nguồn cung vaccine về cho địa phương để sớm bao phủ toàn bộ các đối tượng theo quy định.
Thứ sáu là thông tin. Thông tin phải kịp thời, chính xác, minh bạch. Người dân có quyền được tiếp cận mọi thông tin mà họ đáng được được biết. Tránh việc thấp thỏm, xì xào, dị nghị… Khi mọi thứ đã minh bạch rồi thì người dân rất tin tưởng. Qua đó tạo được sự đồng thuận nhất loạt từ trên xuống.
- Vì sao là 1 tỉnh nghèo mà Yên Bái lại quyết định cách ly miễn phí?
Ngoài các trường hợp nhập cảnh sẽ thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ và số ít các trường hợp đến công tác, làm việc tại địa phương đều sẵn sàng tự nguyện trả phí, còn lại đại đa số các đối tượng người dân Yên Bái từ các vùng có dịch trở về địa phương chủ yếu là người lao động, người nghèo, không trụ nổi ở thành phố mới phải trở về địa phương.
Việc thu phí dù với số tiền không lớn, chỉ một vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thì cũng làm cho họ đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, rất nhiều trường hợp không có khả năng chi trả. Chính vì vậy, Yên Bái luôn tạo điều kiện và hỗ trợ hết mức cho những trường hợp này.
- Là trung tâm của Tây Bắc, giáp ranh với nhiều tỉnh, lại nhiều đồi núi, đường mòn, lối mở vậy Yên Bái đã triển khai các chốt kiểm soát dịch bệnh như thế nào?
Yên Bái phân cấp triển khai các chốt kiểm soát. Quốc lộ là do tỉnh kiểm soát, tỉnh lộ là do huyện, huyện lộ là do xã, đường mòn lối mở là do các thôn, bản kiểm soát. Ở cấp độ thôn, bản thì chính mỗi người dân lại là một “chốt di động”. Bất cứ ai lạ mặt lai vãng mà chưa được kiểm soát y tế là người dân đều biết và báo cáo ngay với chính quyền.
Tùy tình hình thực tế, Yên Bái nhiều lần tiến hành di rời, dịch chuyển vị trí chốt kiểm soát để đảm bảo khả năng ngăn chặn được cao nhất những nguy cơ.
- Kế hoạch đưa người dân từ vùng dịch phía Nam về Yên Bái đang thực hiện như thế nào?
Quan điểm của Yên Bái là khuyến khích người dân ở lại, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tìm kiếm cơ hội việc làm, góp sức với tỉnh bạn trong việc hồi phục kinh tế.
Sau khi được tuyên truyền, thuyết phục, lượng người đăng ký từ TP.HCM về địa phương đã giảm từ gần 2.000 xuống còn khoảng 800 người, phần lớn đều là những người đã không còn việc làm, không có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi hết giãn cách. Thậm chí, các doanh nghiệp, có sở sản xuất kinh doanh nơi họ làm việc đã giải thể, đóng cửa, nên họ buộc phải hồi hương.
Yên Bái đang chờ các tỉnh bạn hết giãn cách xã hội thì sẽ tiến hành. Trước đây, chúng tôi dự tính đưa người dân về bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, do số lượng đăng ký giảm sâu nên chuyển sang máy bay để tiết kiệm thời gian và an toàn.
- Yên Bái hỗ trợ như thế nào đối với các đoàn y tế Nam tiến chống dịch?
Các đoàn cán bộ y tế tham gia hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch với gần 150 người trong suốt hơn 2 tháng qua thực sự vô cùng vất vả. Tới đây khi đoàn về, Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Số tiền hỗ trợ này không lấy từ ngân sách mà được trích từ nguồn của xã hội hóa của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
- Yên Bái có kế hoạch gì nhằm khôi phục kinh tế địa phương?
Hiện tại, các hoạt động kinh tế trong nội bộ địa phương dã dần trở lại nếp cũ. Tuy nhiên, du lịch thì chưa. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị thêm với Chính phủ về phương án sử dụng “thẻ xanh” hoặc “giấy thông hành” vaccine. Yên Bái sẵn sàng đón những người có đủ điều kiện này đến du lịch.
Dự kiến tỉnh sẽ hướng dẫn các công ty lữ lành, cơ sở lưu trú và chính quyền địa phương để thiết kế cho mỗi hành khách/ đoàn khách được ở gói gọn trong 1 khu, tour du lịch được tổ chức khép kín, riêng biệt để đảm bảo an toàn. Những người phục vụ trong khu du lịch đều sẽ phải kiểm tra COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần.
- Trong trường hợp xấu nhất tái ghi nhận F0 cộng đồng, Yên Bái có thu lại các quyết định mở cửa?
Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào thực tế. Họ nhiễm ở đâu, nhiễm như thế nào mà có giải pháp căn cơ, phù hợp. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, Yên Bái vẫn là vùng xanh an toàn.
Người dân Yên Bái xứng đáng được hưởng lợi từ những thành quả chống dịch mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã rất nỗ lực mới có được.
- Xin cám ơn ông!