Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Ngay sau đó, nhiều trang mạng xã hội xuất hiện luồng thông tin về việc học và thi sát hạch lái ôtô sẽ khó hơn rất nhiều, học phí sẽ tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Cụ thể, Thông tư 38 quy định rõ, các cơ sở cấp GPLX phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được đào tạo đầy đủ thời gian. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được dự thi sát hạch kể từ ngày 1.5.2020.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cấp GPLX còn phải lắp thêm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành của học viên để kiểm soát số km thực tế. Ngoài việc đảm bảo thời gian đào tạo học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, học phí đào tạo cấp GPLX hạng B1 tại Trường cao đẳng nghề số 7 (quận 10, TPHCM) đang được niêm yết 17.725.000 đồng, hạng B2 có mức thấp nhất 14.925.000 đồng (thực hành trên xe KIA CD5) và cao nhất là 16.925.000 đồng (thực hành trên xe Vios), hạng C là 17.525.000 đồng. Học viên đến đăng ký đào tạo chỉ cần mang theo CMND và GPLX mô tô (bản photo).
Tương tự như Trường cao đẳng nghề số 7, chi phí thi cấp GPLX ôtô tại nhiều cơ sở đào tạo khác cũng tăng gấp đôi so với trước đây. Điều này khiến các học viên phải bỏ ra thêm khoản tiền khá lớn.
Anh Ngô Xuân Quang (25 tuổi, ở 196 Hoàng Diệu, quận 4, TPHCM) nói: “Trước đây, nhiều người được cấp bằng lái xe ôtô mà ra đường rất thiếu tự tin, xử lý lúng túng bởi thời gian đào tạo vội vàng. Nếu việc tăng học phí đảm bảo chất lượng đào tạo cho học viên, thì chúng ta nên ủng hộ. Hiện có rất nhiều địa điểm thi bằng lái xe ôtô, nên cơ sở đào tạo nào tăng giá bất thường chắc chắn sẽ bị người học tẩy chay”.
Theo chị Nguyễn Phương Trang (30 tuổi, ở 506 Lạc Long Quân, quận 10, TPHCM), học phí đào tạo thi lái xe ôtô tăng gấp đôi sẽ khiến cho người học chịu thêm “gánh nặng” không hề nhỏ, đặc biệt là người lao động nghèo muốn có tấm bằng để mưu sinh. Hơn nữa, học phí tăng cao thì liệu chất lượng đào tạo có được tốt hơn?
Do đó, rất cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng về việc tăng học phí và đầu tư chi phí lắp đặt thiết bị của các cơ sở đào tạo.
Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT không quy định về mức học phí mới. Hiện nay, việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.
Theo đó, học phí cấp GPLX ôtô do các cơ sở đào tạo xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố như: Mua sắm cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính... Nhà nước không can thiệp hay quy định mức học phí này mà chỉ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra.