Hệ thống điện Quốc gia vẫn hấp thụ rất tốt các nguồn điện từ năng lượng tái tạo
Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lấy ý kiến tuần qua, Bộ Công Thương giữ đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.
Từ đề xuất trên, tôi thấy rằng, khi ngành điện vẫn mua sản lượng điện mặt trời mái nhà - điều này chứng tỏ hệ thống lưới điện Quốc gia vẫn hấp thụ được công suất nguồn điện mặt trời mái nhà khi phát lên lưới.
Qua thực tế cho thấy, hệ thống điện quốc gia chỉ không hấp thụ được các nguồn điện trong các trường hợp sau đây.
Thứ nhất, hệ thống điện quốc gia không còn đủ nguồn phát điện linh hoạt để bù đắp phần công suất của năng lượng tái tạo khi thời tiết bất ổn định như mưa, giông bão, mây mù diện rộng… Đây là nguyên nhân khó khắc phục nhất vì để xây dựng các nguồn điện linh hoạt (nhà máy điện khí, trung tâm lưu trữ điện năng - pin lưu trữ điện năng vì chi phí đầu tư đắt đỏ và thời gian xây dựng khá dài.
Thứ hai, lưới truyền tải bị nghẽn, không đủ khả năng truyền tải công suất điện từ nơi thừa sang nơi thiếu công suất nguồn. Nguyên nhân này dễ xử lý bởi chi phí đầu tư không cao, thời gian xây dựng nhanh.
Theo Bộ Công Thương: "Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khi phát lên lưới chỉ mua với giá 0 đồng" và "Điện năng lượng mặt trời mái nhà công sở và doanh nghiệp có thể được phép phát triển ngoài ngưỡng của Quy hoạch điện VIII".
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất phát điện năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2030 là 2.600MW, cho đến nay, tôi chưa thấy ngành điện công bố sự cố lớn, nhỏ nào liên quan đến tỉ trọng điện năng lượng mặt trời đến hệ thống lưới điện Quốc gia.
Như vậy, hệ thống điện của Quốc gia vẫn hấp thụ rất tốt các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, mặc dù hiện tại tỉ lệ điện tái tạo trong hệ thống khá cao.
Mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp
Với văn phòng công sở, doanh nghiệp (tạm gọi là khách hàng năng lượng mặt trời), theo tính toán của tôi, một năm số ngày nghỉ, bao gồm thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ tết chiếm 32% số ngày trong năm.
Như vậy nếu EVN không cho đẩy lên lưới (Zero Export); hoặc bán điện cho EVN với giá 0 đồng thì các khách hàng năng lượng mặt trời sẽ bị lãng phí, hoặc thiệt hại ít nhất 32% sản lượng điện năng lượng mặt trời/năm.
Hơn nữa, EVN mua với giá 0 đồng, nhưng lại bán được cho các khách hàng khác của EVN theo biểu giá bán điện của EVN và theo từng loại khách hàng. Như vậy, dước góc độ quản lý tài chính đối với EVN, có thể thấy đầu vào không phát sinh chi phí, nhưng đầu ra có phát sinh tăng nguồn thu tài chính.
Câu hỏi đặt ra là nguồn tài chính rất lớn này liệu có được hạch toán và được Nhà nước quản lý chặt chẽ (số nguồn thu tài chính được ông Nguyễn Đỗ Nam tính toán lên tới 1,8 nghìn tỉ đồng/năm - PV).
Do vậy, tôi cho rằng mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng hoàn toàn không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp hay công sở; làm lãng phí ít nhất 32% nguồn vốn đầu tư hay thu nhập của các khách hàng năng lượng mặt trời; tăng thời gian thu hồi vốn khi đầu tư hệ thống.
Theo tính toán của tôi và đã tư vấn cho khách hàng: Đối với văn phòng công sở, thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 12 đến 17 năm tuỳ theo thương hiệu thiết bị lắp đặt. Như vậy có nghĩa hầu như không ai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khi họ biết đã lãng phí 32% vốn đầu tư không lợi ích.
Do vậy, tôi đề xuất Bộ Công Thương nên đầu tư một hệ thống năng lượng mặt trời hoà lưới bám tải không lưu trữ, công suất khoảng 25KWp (đầu tư khoảng 300 triệu đồng); và một hệ thống năng lượng mặt trời hoà lưới bám tải có pin lưu trữ, công suất khoảng 30KWp (chi phí đầu tư khoảng 600 triệu đến 700 triệu đồng).
Thời gian thiết kế thi công lắp đặt chỉ khoảng 3 tuần làm việc, sau đó vận hành 1 đến 2 tháng là thấy rõ hiệu quả của cả hai hệ thống (hệ thống này nên lắp trên mái trụ sở Bộ Công Thương).