Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là gánh nặng cho bệnh nhân và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt là các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Một nghiên cứu tiến hành tại 8 quốc gia đang phát triển từ 2002-2005 cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 14,7% và 22,5 ca nhiễm khuẩn bệnh viện/1000 ngày điều trị. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện khá cao ở khoa hồi sức tích cực lên tới 35,2%-44,9%.
Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế (2005) trên 9.345 bệnh nhân của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5.8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4%. Cũng thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TPHCM trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%. Trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu 12,3%, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương tương đương nhau 10%.
Nghiên cứu riêng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và VINAREX (2013) khảo sát trên 3.671 bệnh nhân của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn,
Đáng lo ngại hơn, các cơ sở khám chữa bệnh lại thường xuyên phải đối phó với các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao do các tác nhân gây bệnh qua đường máu như HIV, Viêm gan B,C và nhiều tác nhân lây truyền qua đường hô hấp như cúm A (H5N1, H1N1, H7N9…), lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đặc biệt, ngày nay, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao, có nguy cơ lây lan thành dịch, tái dịch trong cộng đồng đặc biệt là trong bệnh viện, đe dọa đến sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng như: MERS-CoV, Ebola, sởi, dịch hạch….Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc…
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Bộ Y tế, việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện lâu nay đã được Bộ Y tế chú trọng đầu tư về chính sách lẫn đào tạo, phát triển chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo đó, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được thiết lập ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc: 91,1% bệnh viện đã thành lập được hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, 84,9% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, 79,2% bệnh viện hơn 150 giường bệnh có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và 81,2% lãnh đạo khoa/tổ kiểm soát nhiễm khuẩn có trình độ đại học và sau đại học.
Tuy nhiên, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cục quản lý khám chữa bệnh phân tích, một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Do vậy, đầu tư cho hoạt động này cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến. Tại một số bệnh viện còn coi khoa kiểm soát nhiễm khuẩn như “con ghẻ”, đưa ra hình thức kỷ luật cho nhân viên y tế bằng cách điều chuyển về làm việc tại khoa này khi có vi phạm.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện, còn một số bệnh viện chưa có hội đồng, mạng lưới, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện nay, vẫn còn 39,7% bệnh viện không có đủ tối thiểu 1 buồng cách ly đúng quy trình ở các khoa lâm sàng, 46,5% bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn, 33,9% bệnh viện không đủ 1 buồng thu gom dụng cụ bẩn/1 khoa lâm sàng; rất ít bệnh viện trang bị máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp…Bên cạnh đó, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu và yếu. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát, chuyên trách; chưa có hệ thống và chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn trong các trường y…
Để nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tại hội nghị, Bộ Y tế đưa ra kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020. Trong kế hoạch này, Bộ đã đưa 5 giải pháp và bao gồm từng bước giải quyết về: cơ chế chính sách; tổ chức và nhân lực; đào tạo nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; truyền thông, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí…Kế hoạch sẽ được phân trách nhiệm cho từng đơn vụ cùng chung tay thực hiện.
Xem thêm clip: gánh nặng từ nhiễm khuẩn bệnh viện (VTC14)