Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao. Cao điểm trong 2 ngày 16 và 17.2, số ca nhiễm cả nước lên đến 34.737 ca và 36.200, cao nhất kể từ tháng 10.2021 đến nay. Đáng chú ý, Hà Nội cùng hàng loạt tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc đang dẫn đầu về số người nhiễm SARS-CoV-2.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong ngày 17.2, 11/12 địa phương có số ca mắc COVID-19 trên 1.000 trường hợp đều thuộc miền Bắc (trừ tỉnh Nghệ An). Đáng chú ý, Thái Nguyên xếp ngay sau Hà Nội với 2.478 ca bệnh. Bắc Giang "lọt top" 1.000 ca bệnh/ ngày.
Trước Tết Nguyên đán, các chuyên gia y tế cũng dự báo xu hướng này do mức độ giao lưu, đi lại của người dân tăng cao. Mặc dù đã được dự báo, nhưng số F0 tăng mạnh sau đợt nghỉ Tết cũng là điều đáng quan tâm, lo ngại. Theo đó, nếu không được kiểm soát, khống chế hiệu quả, các tỉnh sẽ rất dễ phát sinh các ổ dịch, đợt dịch mới.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, số ca mắc COVID-19 tăng sau Tết là điều dễ hiểu do mức độ di chuyển, giao lưu của người dân giữa các địa phương tăng cao; nhiều trường hợp tụ tập ăn uống, giải trí không bảo đảm nguyên tắc 5K...
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, diễn biến dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2022 sẽ còn phức tạp. Nguyên nhân là do trong thời gian tới, các địa phương sẽ nới lỏng hoạt động phòng dịch, mở cửa trường học, mở cửa hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ...
Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, số ca nhiễm tăng nhưng dịch vẫn đang được kiểm soát. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần chú ý năng lực kiểm soát, đáp ứng cao trong việc số nhiễm tăng cao. Đồng thời, cần kiểm soát số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong, không để tăng cao. Đặc biệt, cần chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền; kịp thời cách ly, điều trị, khoanh vùng truy vết, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho hay, hiện nay tỉ lệ tiêm vaccine trên cả nước khá cao. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Về phía các địa phương, cần tăng cường giám sát công tác phòng dịch. Đặc biệt, thay cấm đoán cực đoan bằng quản lý rủi ro. Theo đó, cần xây dựng phương án cụ thể ứng phó khi có các vấn đề xảy ra trong từng lĩnh vực.
"Ví dụ: Học sinh đi học trở lại thì xây dựng phương án dự phòng như thế nào? Lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch ra sao? Kiểm soát giao thông liên tỉnh thế nào? Phương án tổ chức lễ hội an toàn hay mở cửa karaoke, vũ trường thì dự phòng ra sao?" - PGS Phu nêu ví dụ.