Từ năm 2013, TP Hà Nội đã triển khai đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã giai đoạn 2013 – 2015”. Đặc biệt, từ cuối năm 2015, TP đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện. Sau thời gian triển khai, bước đầu lực lượng thanh tra chuyên ngành đã phát huy hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý ATTP, ông Trần Thanh Long – Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện quận Nam Từ Liêm đã triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP quận và tại 2 phường…Quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường và ban quản lý các chợ về vấn đề ATTP. Nếu nơi nào để xảy ra các tồn tại về vấn đề ATTP thì UBND phường và ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm trước quận.
Bên cạnh đó, quận đã thành lập 2 đường dây nóng cấp quận và tại 10 phường để người tiêu dùng và Nhân dân thông tin cho cơ quan quản lý về các vấn đề mất ATTP. Đến nay, quận đã triển khai xây dựng 11 trạm kiểm tra xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ thuộc 7 phường, gồm có 10 loại xét nghiệm, trong đó đưa vào xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ. Trong kiểm tra, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép quận sẽ yêu cầu tiêu hủy, không để sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, để đảm bảo ATTP trong bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn, quận đã rà soát và lực chọn 7 công ty đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo định để ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. Trong thời gian ký hợp đồng, quận sẽ phối hợp cùng các trường thường xuyên kiểm tra cơ sở cung ứng, nếu phát hiện sai phạm sẽ chấm dứt hợp đồng. Nhờ đó, hoạt động quản lý ATTP tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn quận đã thuận lợi và chặt chẽ hơn.
Kiến nghị về khó khăn trong công tác quản lý ATTP, bà Phạm Anh Thư – Phó chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết, hiện này phường còn thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP được đào tạo sâu về chuyên môn nên trong quá trình quản lý còn gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác ATTP của cấp phường còn hạn chế. Do đó, bà Phạm Anh Thư đề xuất nên nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành cấp xã phường trên toàn quận.
Đóng góp ý kiến cho việc quản lý ATTP trên địa bàn Hà Nội, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ làm công tác thanh tra để công tác này được đảm bảo thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho người dân về thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế đánh giá cao những mô hình về đảm bảo ATTP trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra ATTP để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham luận tại hội thảo. Ông Hiền nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương và trách nhiệm của các ngành đã có nhiều cố gắng, tích cực và đạt được một số kết quả nhất định.“Trong kỳ họp thứ ba của HĐND TP Hà Nội sắp tới sẽ có một phần chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi xin tổng kết và báo cáo đầy đủ các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia buổi hội thảo này”, ông Hiền khẳng định.
Từ đầu năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã thành lập 1.440 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra trên 90.000 lượt cơ sở, phát hiện gần 16.000 cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền xử phạt trên 24 tỷ đồng. Trong đó, 3 vụ đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn TP không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Tin bài liên quan