Nhiều tuyến phố vẫn tấp nập người đi đường
Hôm nay, ngày đầu tiên của đợt giãn cách thứ 3 tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều con phố vẫn tấp nập người qua lại, tại ngã Tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hay một số tuyến đường như đường Láng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn… mật độ phương tiện tham gia giao thông khá dày, đặc biệt là đầu giờ sáng.
Cũng trong ngày đầu của đợt giãn cách thứ 3, hơn 700 trường hợp vi phạm phòng chống dịch cũng đã được lực lượng chức năng xử phạt với số tiền gần 1,1 tỉ đồng – con số xử phạt không hề thuyên giảm so với những ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách.
Cùng ngày, Công an thành phố cho biết, 6 tổ công tác liên ngành về tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác đã kiểm soát 1.824 trường hợp. Trong đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 27 trường hợp (13 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng; 14 trường hợp không có giấy đi đường) với số tiền 54.150.000 đồng. Thậm chí còn có trường hợp không có giấy đi đường, còn dùng lời lẽ xúc phạm và vung tay vào mặt cán bộ chốt kiểm soát.
Ghi nhận của Lao Động ngày 23.8, trên tuyến đường Giải Phóng tại nút giao Kim Đồng (Hoàng Mai, Hà Nội), lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, thậm chí người ra đường không mang giấy đi đường vẫn ra ngoài với đủ lý do.
Sẽ chụp lại những giấy đi đường dạng nghi vấn để kiểm tra, xác minh
Còn tại chốt kiểm soát đặc biệt trên đường Nguyễn Chí Thanh, đa số người dân đều xuất trình được giấy đi đường do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp. Đại úy Trần Ngọc Lực – Đội CSGT số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Quá trình kiểm tra cho thấy, thấy lượng người dân ra đường vẫn khá đông, lượng phương tiện lưu thông nhiều, và hầu hết đều có giấy đi đường của doanh nghiệp, cơ quan.
“Bất cập hiện tại cho lực lượng kiểm soát chúng tôi là việc cấp giấy đi đường đang quá tràn lan, không thể kiểm soát hết. Trong quá trình kiểm tra, sau khi những trường hợp dạng nghi vấn, chúng tôi sẽ chụp lại để sau đó về xác minh lại những trường hợp có giấy đi đường này có đủ đảm bảo hay không, hay họ tự cấp, tự phát cho người đi đường” – Đại uý Lực nói.
Cũng theo Đại uý Trần Ngọc Lực, một bất cập nữa là số lượng doanh nghiệp quá đông, người tham gia giao thông quá đông, do đó chỉ có thể kiểm tra xác suất, không thể kiểm tra hết 100%.
Rất lãng phí thời gian giãn cách nếu không làm nghiêm
Trong Công điện số 19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, khi lượng người ra đường vẫn đông, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý.
Công điện yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch; kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó".
Hà Nội cũng yêu cầu siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của thành phố; chịu trách nhiệm trước chính quyền thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Đồng thời Công an thành phố cũng được giao chịu trách nhiệm ổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nguy cơ dịch bệnh tại thủ đô vẫn còn tiềm tàng, khó lường, chính vì vậy từ nay đến 6.9, Hà Nội cần tiếp tục làm nghiêm, hạn chế việc người dân ra đường, thực hiện xét nghiệm đối tượng có nguy cơ… nếu không nghiêm sẽ rất lãng phí thời gian giãn cách, triệt để giải quyết dịch bệnh.