Gặp khó khi hỗ trợ dân trong khu cách ly
Hiện, bệnh bạch hầu đang bùng phát mạnh tại Tây Nguyên với tổng cộng 108 ca nhiễm. Dịch đã lan rộng ra 4 tỉnh, 14 huyện, 36 xã trên toàn vùng. Ngay sau khi phát hiện những ca nhiễm bạch hầu đầu tiên ở Tây Nguyên, Bộ Y tế đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp về y tế dự phòng để cùng lãnh đạo ngành y tế các tỉnh bàn các biện pháp chống dịch.
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho biết: ‘’Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 32 trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu, tỉ lệ mắc bệnh chủ yếu ở trẻ em, tình hình sức khỏe các ca nhiễm đã tương đối ổn định. Đơn vị đã lập một nhóm trên zalo với tên gọi ‘’bạch hầu - sốt xuất huyết’’ để thực hiện công tác phòng bệnh đạt được hiệu quả. Ngoài ra, ngành Y tế Đắk Lắk cũng tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương lập các chốt kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại các cửa ngõ ra vào của vùng có ca bệnh; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế’’.
Lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai thông tin, tỉnh đang có 4 ổ dịch, 25 trường hợp dương tính với bạch hầu đang được các cơ sở y tế tích cực điều trị. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế còn tổ chức các khu cách ly để điều trị bệnh nhân. Tuy vậy, khi tiến hành cách ly người dân đã phát sinh thêm nhiều khoản chi phí nhưng chính quyền địa phương vẫn phải linh động hết sức có thể để hỗ trợ bà con. Ngoài ra, huyết thanh bạch hầu vẫn ở tỉnh vẫn đang thiếu hụt, chưa cung ứng đủ cho người dân.
Cùng chung quan điểm, đại diện ngành Y tế Kon Tum bày tỏ, công tác khám sàng lọc, vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch ở Kon Tum đã và đang được lực lượng y tế triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, 10/16 ổ dịch tại địa phương đã được dập tắt. Tuy vậy, khó khăn mà ngành Y tế tỉnh gặp phải chủ yếu trong vấn đề cách ly, điều trị bệnh nhân. Hiện, chưa có cơ chế nào của nhà nước đối với việc hỗ trợ thêm nguồn kinh phí khi người dân tiến hành thăm nuôi bệnh nhân. Đây là điều mà ngành Y tế tỉnh đang rất băn khoăn, khó xử lý thỏa đáng.
Trung tâm y tế huyện đóng vai trò rất quan trọng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, lãnh đạo UBND, Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên phải vào cuộc chống dịch bạch hầu như với tâm thế ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến tỉnh trong vùng về cơ bản đã điều trị tốt cho các ca nhiễm bạch hầu. Bộ Y tế ghi nhận sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Huế, Bạch Mai... đã sớm cắt cử các bác sĩ đến Tây Nguyên giúp đỡ cho các địa phương phòng, chống dịch.
Hiện, vai trò các trung tâm Y tế địa phương là cực kỳ quan trọng. Đây là tuyến then chốt, tiếp nhận ca nhiễm bạch hầu để theo dõi điều trị. Chỉ trường hợp các ca bệnh trở nặng mới chuyển lên tuyến trên. Để những Trung tâm y tế tuyến huyện đạt được hiệu quả thì các Sở Y tế phải theo dõi sát sao, căn cứ mức độ diễn biến bệnh dịch để bổ sung nhân lực, vật tư y tế cần thiết, Thứ trưởng Sơn cho hay.
‘’Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, dịch bạch hầu ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể khống chế được nhưng cần đáp ứng được tiêu chí phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, khoanh vùng ở các ổ dịch. Tất nhiên, vật tư y tế, thuốc kháng sinh, vaccine... sẽ được cấp đủ cho các tỉnh thực hiện công tác phòng dịch, hạn chế tối đa các ca tử vong’’, Thứ trưởng Sơn nói.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho hay, để công tác phòng chống dịch bạch hầu đạt được hiệu quả, cần phải sớm dập ngay những vùng lõm trong tiêm chủng. Lực lượng y tế phải tiến hành cấp vaccine sớm cho những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiêm chủng trước đó. Hiện, những ổ dịch bạch hầu thường nằm ở những nơi vùng sâu vùng sa, đường xá đi lại khó khăn nên trước khi lực lượng y tế triển khai tiêm vaccine phòng bệnh cho bà con cần bố trí thêm nhân sự, lập kế hoạch triển khai kỹ lưỡng.