“Không thể làm ẩu...”
Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - nhấn mạnh tôn chỉ, mục đích hoạt động của các ngân hàng mô là vì mục đích nhân đạo. “Hiện nay, về ngân hàng mô tư nhân chỉ có một ngân hàng tế bào gốc thôi, còn lại là của Nhà nước. Về những tiêu cực có thể phát sinh khi nghị định đi vào thực tế thì theo tôi, cái đấy không có gì phải lo, dù là tư nhân đi nữa thì tất cả đều phải theo quy trình và luật pháp. Tôn chỉ mục đích là phi lợi nhuận, tất cả về mục đích nhân đạo, chữa bệnh và không vụ lợi” - ông thẳng thắn chia sẻ.
Ngân hàng mô có thể là ngân hàng da, xương, da mảng, gân, sụn, tóc, giác mạc, van tim, mạch máu. Trên cơ sở đó, có ngân hàng đa mô, đơn mô, nghĩa là ngân hàng mô đó có thể bảo quản một hoặc tất cả các bộ phận trên. Hiện nay, biết đến có các ngân hàng giác mạc của Bệnh viện Mắt trung ương, ngân hàng mô phôi của Đại học Y Hà Nội, ngân hàng da ở Viện Bỏng Quốc gia…
Trao đổi với PV Báo Lao Động về hoạt động của các ngân hàng mô, ThS-BS Nguyễn Hoàng Phúc - PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết: Các ngân hàng mô có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, trao đổi mô, phục vụ cho mục đích hiến ghép cứu người. Ngân hàng mô này có thể trao đổi với ngân hàng mô kia. Điều then chốt là ngân hàng mô nào ra đời cũng cấm mua bán, phi thương mại, cấm thương mại. Tất nhiên, không phải miễn phí, cho không, nhưng phải đảm bảo được số tiền đầu vào và đầu ra bằng nhau. Người được lợi chính là người dân. Người đầu tư cũng được lợi. Họ tạo ra việc làm, tạo giá trị nhân đạo. Giá trị nhân đạo là vô giá.
Từ 2008, Nghị định 56 đã quy định mô thuộc Nhà nước hoặc tư nhân được phép thành lập, nghị định này có nền tảng là Luật Hiến ghép năm 2006. Nghị định sửa đổi của Chính phủ, bắt đầu có hiệu lực từ 15.9 có những điểm mới rất đáng chú ý.
Theo PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, điểm mới của Nghị định 118 là có thêm quy định các ngân hàng mô trực thuộc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Việc đó rất cần thiết, vì trong quá trình tiếp nhận và bảo quản phân phối. Đó là điểm mới, sáng tạo của Chính phủ.
Hàng vạn người suy tạng đang nằm trong “danh sách chờ ghép quốc gia”
Được biết, sau 3 năm Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người ra đời, đã có hơn 4.000 đơn tình nguyện hiến tạng sau khi chết. Đây là một con số không lớn nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nó thể hiện phẩm chất nhân ái, yêu thương con người, sẽ sẵn sàng sẻ chia sự sống của người Việt Nam.
Ông Phúc cũng cho biết: Các bộ phận cơ thể người như tim, gan, thận… không thể bảo quản quá 24 tiếng, sau khi tiếp nhận phải được ghép ngay nên không thể có ngân hàng tạng là vì thế. Trên thế giới không có ngân hàng tạng. Khi đề cập đến những tiêu cực, vụ lợi có thể xảy ra khi các ngân hàng mô tư nhân được thành lập và đi vào hoạt động, ông Phúc cho rằng: “Chuyện đó gần như là không thể. Để lấy được mô phải có người hiến. Được mã hóa. Ghép mô có 2 trường hợp - mô tự thân gửi vào ngân hàng mô, lấy ra ghép lại cho người đó và mô từ người hiến. Dù tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng tăng nhưng hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Hiện nay cũng có quy định rõ là phải xây dựng danh sách chờ ghép quốc gia. Là cơ sở pháp lý để đảm bảo cho việc điều phối một cách khách quan, trung thực, công bằng. Người chờ ghép không có tên trong danh sách quốc gia thì không được điều phối. Đó là quy định chuẩn quốc tế.
Chia sẻ về việc thành lập danh sách chờ ghép quốc gia, ông Phúc cho biết công việc này đang được tiến hành, tổng hợp. “Nguyên tắc ghép mô tạng đầu tiền là ưu tiên trẻ em. Nếu có 100 người chờ ghép, 10 người phù hợp để ghép thì phải ưu tiên trẻ em, rồi đến người lớn đang cấp cứu. Nếu như cả 2 trường hợp không có thì sẽ ưu tiên người từng hiến tạng nhưng hiện đang bị suy tạng. Nếu không có thì ưu tiên thứ 4 là người đầu tiên có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia. Vì họ đã đăng ký lâu, chờ đợi lâu. Riêng chuyện này cũng được tuân theo nguyên tắc đạo đức, nhân đạo. Là quy chuẩn chung của thế giới” - ông Phúc nói.
Ước tính hiện nay có khoảng 18.000 người suy tạng cần ghép tạng. Trong đó có khoảng 6.000 người suy thận, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có khoảng 1.400 ca đã được ghép tạng.