Hàng loạt Công ty xuất khẩu lao động bị thanh tra và rút giấy phép: Lỗ hổng cấp phép và dấu hiệu tiêu cực

PHƯƠNG LÊ |

Mới đây, Bộ LĐTBXH có quyết định tước giấy phép và đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài đối với TCty Công trình giao thông 8 (Cienco8). Ngoài ra, bộ này cũng tiến hành thanh tra 5 đơn vị lĩnh vực này gồm: Cty cổ phần xuất nhập khẩu than - Vinacomin; Cty cổ phần thương mại, tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS; Cty Cổ phần quốc tế Nhật Minh; Cty Cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long và Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Phát.

Chưa dừng lại ở đây, qua điều tra của PV Báo Lao Động, đã có hàng loạt những bất thường xung quanh việc cấp phép cho các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu lao động dẫn đến tình trạng bát nháo dịch vụ này và gây thiệt hại nặng nề cho chính những người lao động.

Đình chỉ rồi cấp phép kiểu… cấp tốc

Điều đáng nói, ngày 16.12.2016, Thanh tra Bộ LĐTBXH ban hành Quyết định số 287/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với TCty Công trình giao thông 8 (Cienco8). Với những sai phạm được chỉ rõ, Cienco8 bị phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 tháng. Kỳ lạ là chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 18.1.2017, cũng chính Bộ LĐTBXH cấp lại giấy phép hoạt động cho đơn vị này với đầy đủ chức năng, quyền hạn về dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đến ngày 3.3.2017, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp lại ký Quyết định số 261/QĐ-LĐTBXH thu hồi giấy phép với Cienco8 với nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng chính Bộ LĐTBXH đã ra hàng loạt các văn bản “chéo cẳng ngỗng” tạo điều kiện cho Cienco8 tiếp tục dịch vụ đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài?

Lạ lùng doanh nghiệp không có bộ máy vẫn “hoạt động tốt”

Với Quyết định số 287/QĐ-XPVPHC ngày 16.12.2016 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Cienco8, Thanh tra Bộ LĐTBXH chỉ ra các sai phạm cụ thể, bao gồm: Không trực tiếp tuyển chọn lao động; Thu tiền của NLĐ không đúng quy định (thu tiền dịch vụ nhưng không đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; không cấp phiếu thu cho NLĐ; mức tiền dịch vụ không được ghi trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài).

Đồng thời với quyết định xử phạt trên, ngày 27.12.2016, Thanh tra Bộ đã ban hành Kết luận thanh tra số 370/KL-TTr, trong đó yêu cầu Cienco8 thực hiện các kiến nghị về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ, và phải thực hiện đúng quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về việc trực tiếp tuyển chọn lao động và quy định về hợp đồng, tiền môi giới và tiền dịch vụ thu từ NLĐ.

Sau 2 tháng xử phạt vi phạm, ngày 14.2.2017, Thanh tra Bộ LĐTBXH tiếp tục ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTr về việc kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 370/KL-TTr nêu trên tại Cienco8. Thực tế kiểm tra cho thấy: Tổ chức bộ máy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại đơn vị này chưa đảm bảo quy định với những sai phạm chỉ rõ như: Không có bộ phận theo dõi, quản lý; không có trung tâm hoặc phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động; bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài không đảm bảo quy định (chưa có bộ phận đào tạo, quản lý học viên). Đến ngày 3.3.2017, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp ký quyết định thu hồi giấy phép Cienco8.

Cấp phép lại: “Chỉ nhìn hồ sơ DN gửi lên”?

Tại website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn), cơ quan này đăng tải công khai danh sách các DN xuất khẩu lao động bị xử phạt, thu hồi giấy phép cũng như các đơn vị mới cấp phép hoặc cấp phép lại. Cũng từ đó, dễ dàng thấy được dù bị xử phạt ngày 16.12.2016, đến ngày 18.2.2017, nghĩa là chỉ 1 tháng và 2 ngày sau, khi Cienco8 còn đang trong thời gian 2 tháng bị đình chỉ hoạt động với những sai phạm nghiêm trọng, Bộ LĐTBXH lại cấp lại giấy phép số 891/LĐTBXH-GP cho đơn vị này do chính Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ký. Vậy, quy trình cấp lại giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại Bộ LĐTBXH được tiến hành ra sao? Lấy ý kiến tham vấn của những cơ quan nào để xảy ra tình trạng lực lượng thanh tra mới công bố xử phạt thì chính lãnh đạo bộ lại cấp lại giấy phép cho DN sai phạm (?).

Một thông tin đáng chú ý là đến chiều 6.3.2017, tức là 3 ngày sau khi Bộ LĐTBXH công bố rút giấy phép hoạt động, tại website của Cienco8 (www.cienco8.com), chuyên mục “Xuất khẩu lao động” vẫn tồn tại với đầy đủ thông tin như: Thông báo tuyển lao động, Hướng dẫn thủ tục, văn bản liên quan,...

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 6.3.2017, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH - cho biết, khi tổ chức đoàn thanh tra Cienco8 (ngày 16.12.2016), lực lượng có bao gồm người của Cục QLLĐNN tham gia cùng đoàn. Ngoài ra, khi có kết luận thanh tra cũng gửi cho Cục để biết. “Khi cấp phép lại cho DN, dù không có quy định nào về việc này nhưng tôi nghĩ đúng ra phải có ý kiến của thanh tra trước khi quyết định” - ông Tùng chia sẻ.

Được hỏi về việc cấp phép cho DN trong thời điểm đang thi hành quyết định đình chỉ có đúng hay không, ông Tùng khẳng định “việc làm này là sai”. “Trước khi trình bộ ban hành quyết định thu hồi giấy phép của Cienco8, tôi có trao đổi với lãnh đạo Cục QLLĐNN tại sao trong thời hạn đình chỉ, DN bị phạt 120 triệu đồng và có tới 8 kiến nghị phải xử lý mà vẫn cấp phép, lãnh đạo Cục trả lời: “Để kiểm tra lại” - ông Tùng cho hay.

PV mang câu hỏi trao đổi với ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, ông Nam cho biết: “Theo quy định của luật, không có quy định DN (XKLĐ) đang vi phạm không được cấp đổi giấy phép. Nếu đáp ứng đủ quy định vẫn được cấp giấy phép”. Phóng viên hỏi tại sao một DN đang chịu phạt đình chỉ và có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng, Cục lại không kiểm tra trước khi cấp lại giấy phép, ông Nam khẳng định: “Cấp phép chỉ nhìn hồ sơ của DN gửi lên!”. Ngoài ra, cũng theo ông Nam, phía Cục “chưa nhận được kết luận của Thanh tra bộ”.

Tình trạng nhiều lao động ở các địa phương vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn và nhận thức còn hạn chế có nhu cầu đi làm việc ở ngước ngoài bị các doanh nghiệp lừa đảo và xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, thậm chí kết thúc đau lòng (có người chết khi bỏ trốn) được nói đến khá nhiều thời gian qua. Thế nhưng, ngay tại cơ quan quản lý cao nhất của công tác xuất khẩu lao động, tình trạng “sai phạm vẫn được cấp phép” lại vẫn tiếp diễn.

PHƯƠNG LÊ
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.