Còn sinh viên - học sinh (SVHS) tốt nghiệp trường dạy nghề (trung cấp, cao đẳng) tình hình… sáng sủa hơn. Theo ông Nguyễn Minh Vỹ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Tiền Giang - hiện chất lượng đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN).
Thống kê cho thấy, trên 80% số SVHS các trường dạy nghề đào tạo tìm được việc làm. Tuy nhiên, ông Vỹ thừa nhận: Không ít các trường hợp này dù được tuyển dụng nhưng vẫn phải... “tập sự” tại DN thêm một thời gian dài ngắn khác nhau để “thích nghi” môi trường làm việc tại DN.
Nguyên nhân chính do thiết bị dạy và học tại các trường dạy nghề thường lạc hậu hơn so với công nghệ của DN. SVHS các trường dạy nghề còn cho biết, trong thời gian theo học, tuy thời gian thực hành không ít, song hầu hết đều... không đủ nguyên - vật liệu thực hành với lý do kinh phí đào tạo hạn chế(!).
Tại một số trường dạy nghề, đội ngũ giáo viên đa số là mới và cũng từ... trường dạy nghề ra, chưa có nhiều kinh nghiệm...
Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian tới các trường dạy nghề cần chủ động tiếp cận công nghệ của các DN để cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu của DN; đưa SVHS đi thực tập tại các DN.
Song song đó phải tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề cho giáo viên (hiện nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tự tổ chức đánh giá kỹ năng nghề của giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng và gửi giáo viên đi đánh giá kỹ năng); tổ chức hội thi SVHS giỏi nghề tại trường, tham gia hội thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc để khuyến khích SVHS học tập...
Ông Nguyễn Minh Vỹ cho rằng, giải pháp toàn diện, căn cơ nhất chính là hàng năm các trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề cần phải tự kiểm định chất lượng đào tạo để khắc phục các khiếm khuyết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Có như vậy, về lâu dài hành trình tìm việc làm của SVHS “ra lò” từ các trường dạy nghề sẽ thênh thang hơn...