Khu đô thị hình thành từ đất trồng lúa
Đến Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận hỏi về Khu đô thị Phước Hội (phường Phước Hội, Thị xã La Gi) thì khá nhiều người dân địa phương biết đến. Họ biết đến là bởi, khu đô thị này được xây dựng từ việc thu hồi diện tích lớn đất trồng lúa của chính người dân trên địa bàn phường. Tuy nhiên, việc đền bù với giá chưa thỏa đáng, nhiều hộ dân không chấp nhận phương án bồi thường, dẫn đến khiếu nại kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một người dân ở KP9, Phường Phước Hội, Thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết, bản thân ông và nhiều hộ dân bị thu hồi đất tại đây rất lo lắng cho tương lai sắp tới sẽ không biết làm gì sống, bởi bao đời nay chỉ biết trồng lúa, nay đất bị thu hồi thì không còn tư liệu để sản xuất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch UBND Phường Phước Hội cho biết, liên quan đến việc thu hồi diện tích đất trồng lúa của người dân trên địa bàn phường để thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Hội, vẫn còn nhiều hộ dân chưa chấp nhận phương án bồi thường và khiếu nại đến cơ quan chức năng. Hiện có 16 hộ gia đình, cá nhân chưa chấp hành quyết định thu hồi đất thuộc dự án Khu đô thị mới Phước Hội (Phường Phước Hội, Thị xã La Gi).
Thông tin chúng tôi có được, Khu đô thị mới Phước Hội được triển khai trên khu đất quy hoạch rộng 97.346,6 m2 với quy mô dân số khoảng 1.812 người. Trong đó, diện tích dành cho đất ở nhà phố là 45.531,9 m2 cung ứng ra thị trường 475 nền nhà phố có diện tích dao động 75 – 100 m2, thiết kế cao tối đa 5 tầng. Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Phước Hội là Công ty TNHH MTV GPC Phước Hội.
Khu đô thị này được hình thành từ đất trồng lúa của người dân, nhiều người dân sau khi thu hồi đất trồng lúa thì không còn tư liệu để sản xuất nông nghiệp, trong khi số tiền bồi thường thấp không đủ để đi mua lại đất hoặc đi thuê đất khác để trồng trọt. Họ lo lắng cho tương lai sau này, nhất là việc học hành của con cháu họ, khi bị thu hồi đất trồng lúa thì không còn tư liệu để trồng trọt.
Đất ven biển thành dự án đô thị
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều diện tích đất ven biển, đất nuôi trồng thủy hải sản, đất rừng đang được đua nhau chuyển đổi thành dự án bất động sản (BĐS) như một cơn lốc. Cơn lốc này hiện đang càn quét mạnh mẽ đất ven biển chạy từ Thành phố Phan Thiết đến Khu Du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình). Theo đó, dọc con đường Võ Nguyên Giáp (Phường Mũi Né, Thành Phố Phan Thiết) và tuyến đường ĐT716 từ Thành phố Phan Thiết đi Khu Du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình) đang có rất nhiều dự án BĐS được triển khai xây dựng.
Đây là tuyến đường chạy dọc ven biển, đất hai bên đường chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy hải sản… Thế nhưng, bằng cách nào đó, những khu đất này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm dự án BĐS và nhiều dự án được mọc lên “như nấm sau mưa”.
Điển hình của việc chuyển đổi này phải kể đến Dự án Khu phức hợp Centraland tại xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) do Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Centraland làm chủ đầu tư. Dự án Khu phức hợp Centraland có tổng diện tích đất sử dụng là 771,29ha và tổng mức đầu tư hơn 6.170 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong số hơn 771 ha được tỉnh Bình Thuận giao đất làm Dự án Khu phức hợp Centraland, trong đó có 107,8 ha là đất quy hoạch ba loại rừng và một phần nằm trong Di tích thắng cảnh Bàu Trắng.
Một dự án BĐS ven biển khác tại Bình Thuận được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở và giao cho doanh nghiệp thực hiện Dự án Khu đô thị Sumerland (Phường Phú Hài, Thành phố Phan Thiết). Dự án Summer Land được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 315.344,5m2; Tổng vốn đầu tư: 4.900 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và đang chào bán ra thị trường với giá từ 6 - 16 tỉ đồng/căn.
Biến nhà ở riêng lẻ thành khu dân cư tự phát
Tại TPHCM hiện có nhiều công ty BĐS chuyên đứng ra thu mua đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm với diện tích lớn tại các vùng ven thành phố, sau đó chạy vạy chuyển đổi lên đất ở đô thị và tự vẽ dự án khu dân cư rồi rao bán.
Điển hình cho chiêu thức kinh doanh này, phải nói đến Công ty bất động sản Đại Phát (Đại Phát Corporation, phường Thạnh Lộc, quận 12). Công ty này hiện đang rao bán rầm rộ “Dự án Khu dân cư Bảo Phú Residence” tại phường An Phú Đông (Quận 12) với 82 căn nhà phố 3 tầng có giá bán từ 6 tỉ đồng/căn.
Trong vai người mua nhà, chúng tôi được nhân viên của công ty đưa đến xem “dự án” này, hiện đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện nhiều dãy nhà phố với gần trăm căn nhà được xây dựng giống nhau.
Khi chúng tôi “truy” nhân viên bán hàng, đây có phải lại dự án khu dân cư được cơ quan chức năng cấp phép hay không, nếu đúng là dự án thì đề nghị cung cấp thông tin pháp lý và quy hoạch 1/500?. Lúc này nhân viên bán hàng mới thừa nhận đây không phải là dự án quy hoạch 1/500, khu đất này do công ty xây dựng nhà phố, rồi giao cho nhiều người đứng tên trên sổ đất, khi khách hàng mua thì chỉ giao dịch với tư cách cá nhân.
Thông tin từ UBND Quận 12 cho biết, qua rà soát các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn quận, hiện nay không có dự án nào mang tên là Bảo Phú Residence của Công ty Đại Phát Corporation.
Theo đó, vị trí khu đất được cho là Dự án khu dân cư Bảo Phú Residence có diện tích 4.520,4m2, trong đó diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất ở là 2.926,3m2. Đất do cá nhân ông P.T.D là chủ sử dụng, tại khu đất này UBND quận 12 đã cấp 7 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho 7 cá nhân đứng tên, quy mô công trình xây dựng là 1 trệt và 3 lầu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Đại Phát ngoài “dự án” trên, còn xây dựng và rao bán các "dự án" bất động sản như: Dự án Bảo Ngọc (đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, Quận 12); dự án Khu dân cư Bảo Minh (đường Tô Ngọc Vân, Phường Thạnh Xuân, Quận 12); dự án Khu dân cư Bảo Anh (đường Thạnh Lộc 26, phường Thạnh Lộc, Quận 12); dự án Khu dân cư Bảo Sơn Residence (đường Nguyễn Sơn, Phường Phú Thạnh, Quận Tân Phú)… cũng với cách thức và chiêu trò tương tự như dự án Bảo Phú Residence.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng dự án, việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được thực hiện qua nhiều bước, trong đó phải có thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường và có quy hoạch chi tiết 1/500. Việc Công ty Đại Phát tự ý đặt tên các công trình nhà ở riêng lẻ rồi rao bán với danh nghĩa dự án bất động sản là không đúng với với quy định của pháp luật.
Đáng lo ngại hơn, chiêu trò kinh doanh biến tướng nhà ở riêng lẻ thành dự án khu dân cư như trên, sẽ làm gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị và ảnh phá vỡ quy hoạch chung bộ mặt đô thị, nhất là đô thị lớn nhất nước như TPHCM.