Mới đây, Tập đoàn Novaland đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng Dự án nhà ở xã hội với Tập đoàn Hoàng Quân. Tại lần hợp tác này, Novaland và đối tác sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện có của hai bên…
Hai công ty cũng sẽ kết hợp thế mạnh của nhau để hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các dự án tiềm năng tại TPHCM và các tỉnh thành như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… Dự kiến, trong năm nay, với sự nỗ lực cùng nguồn lực của các bên, khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội sẽ được bàn giao tại nhiều địa phương.
Đồng thời, các bên liên quan sẽ cùng triển khai nghiên cứu phát triển dự án nhà ở xã hội mới thuộc quỹ đất hiện có của Novaland trong thời gian tới. Qua đó, giải quyết được phần nào nhu cầu của các đối tượng chính sách xã hội và người lao động có thu nhập thấp.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long cũng cho biết, công ty sẽ tham gia và cam kết đóng góp 20.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong những dự án công ty triển khai. Ngoài ra, nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vinhomes, Becamex IDC… cũng đã đưa ra những kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Dù đón nhận tín hiệu tích cực, nhưng để phân khúc này phát triển mạnh mẽ thì vẫn còn cần hỗ trợ thêm nhiều cơ chế. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2021 đến quý I/2024, TPHCM đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 3 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất gần 20.000m2, quy mô 865 căn hộ. Ngoài ra, TPHCM có 6 dự án đang thi công với quy mô 4.754 căn hộ, tổng diện tích sàn 378.551m2.
Sở Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội (bao gồm các dự án đang thi công), với quy mô khoảng 35.000 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.
Về công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở xã hội của UBND TPHCM, Sở Xây dựng cho hay, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP hiện gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến 5 nhóm vấn đề lớn như: công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch, tài chính, công tác đấu thầu và các dự án đầu tư công. TPHCM cũng đã xem xét từng vướng mắc trong các dự án và chỉ đạo hướng dẫn tháo gỡ trong thực hiện các thủ tục đầu tư với 45 lượt giải quyết cho 21 dự án.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bất động sản, để giải quyết nguồn cung nhà ở xã hội thì cần phải sớm tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nhà nước. Làm nhà ở xã hội khá mệt mỏi, bởi các quy trình thủ tục, biên lợi nhuận vốn đã thấp nay còn bị thu hẹp từ 10% trở xuống sẽ khiến các doanh nghiệp không mặn mà. Do vậy, nhà nước cần phải linh động, phải ghép quy trình để làm song song cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung ra thị trường.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TPHCM cũng kiến nghị, Nhà nước phải có một cơ quan, một bộ máy chuyên làm nhà ở xã hội để chuẩn bị các khâu tìm quỹ đất, phát triển, xây dựng, bán, quản lý... Từ đó, doanh nghiệp nào muốn tham gia sẽ phải đấu thầu để đưa ra giải pháp tốt nhất. Nếu vẫn duy trì cách làm như hiện nay, với cơ chế còn nhiều rào cản, thì mục tiêu đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2023 rất khó để thực hiện.