Loạt vấn đề liên quan tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.
Bên cạnh đó, dự án khu biệt thự thuộc khu Đoàn ngoại giao (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), dù được giao đất thực hiện dự án từ năm 2008, nhưng đến nay Hancorp vẫn chưa nộp tiền thuê đất các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2.
Tại dự án khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, Công ty Tây Hồ (công ty con Tổng công ty xây dựng Hà Nội) cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9ha đất nhiều năm qua. Công ty mẹ Hancorp hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000m2, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2001 nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Tại dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty xây dựng số 1 thực hiện chuyển đổi 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai quy hoạch nên phải nộp bổ sung 10,8 triệu đồng tiền sử dụng đất.
Tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng Làng quốc tế Thăng Long, công ty mẹ Hancorp dù hoàn thành dự án cả chục năm nhưng chưa bàn giao khu thể dục, thể thao 6.102,3m2 và khu nhà trẻ diện tích 408,2m2 cho UBND TP Hà Nội quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Không những vậy, dự án Khu đô thị mới Cao Xanh - Hòa Khánh B (thành phố Hạ Long - Quảng Ninh) đã chậm tiến độ 10 năm so với phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, các lô đất khác do Công ty mẹ và các công ty con quản lý, sử dụng cũng xảy ra các vấn đề. Đáng chú ý, đất xây dựng nhà máy gạch bê tông khí chưng áp không được Công ty TB&VLXD Hancorp quản lý sử dụng hiệu quả do chậm chấm dứt đầu tư mà chưa có phương án xử lý dứt điểm.
Nhiều kẽ hở trong đầu tư
Kiểm toán về việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc khu Đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Kiểm toán kết luận trong quá trình thực hiện các dự án, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan cơ bản tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, còn tồn tại một số sai phạm như lập tổng mức đầu tư dự án sai làm tăng vốn đầu tư, thiếu hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bảng chấm công, chứng từ chi trả lương...
Qua kiểm toán đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỉ đồng, trong đó tính sai khối lượng 10,5 tỉ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỉ đồng, sai khác gần 48 tỉ đồng.
Trong khi đó, công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng còn nhiều vấn đề. Hồ sơ yêu cầu mời thầu thiếu một số hạng mục dẫn đến phải phê duyệt kết quả trúng thầu bổ sung.
Hancorp là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập theo Quyết định số 324/BXD-TCCB ngày 11.12.1982 trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về Tổng công ty gồm: Công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 11, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội, Xí nghiệp Một Bạch Đằng.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020, Hancorp chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 2 tỉ đồng, giảm tới 49% so với cùng kỳ 2019.
Hancorp lý giải lợi nhuận sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dẫn đến kết quả kinh doanh của một số công ty con bị ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, đà suy giảm lợi nhuận của Hancorp đã bắt đầu từ 2018. Theo đó, lãi sau thuế của Hancorp đã giảm 1 mạch từ 134,5 tỉ năm 2017 xuống gần 93 tỉ năm 2018 và tiếp tục giảm sâu xuống mức 37,36 tỉ đồng năm 2019 - tương đương mức giảm hơn 70% trong 2 năm.