Người dân ở tái định cư nhưng chưa thể an cư
Chia sẻ với Lao Động, người dân khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) cho biết, hiện 4 khối nhà thuộc khu đô thị đã xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 10 năm đưa vào vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa được duy tu, sửa chữa.
Theo bà Minh (cư dân tòa A6B Khu đô thị Nam Trung Yên), các hạng mục từ bên ngoài đến bên trong công trình đã sập xệ, thang máy thường xuyên hỏng hóc và tường bị thấm dột. Người dân phải chịu cảnh sống trong âu lo thường trực.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Nguyệt, Tổ trưởng tổ dân phố số 51 (phường Trung Hòa), phụ trách 4 tòa chung cư A6 cho biết, người dân rất muốn duy tu, sửa chữa nhưng lực bất tòng tâm do không có kinh phí. Hiện các tòa nhà tái định cư hầu như không có nguồn thu nào, ngoại trừ khoản tiền quỹ bảo trì ít ỏi.
Theo quan sát của phóng viên, bên ngoài công trình từng mảng tường bong tróc, bậc cầu thang bị nứt gãy theo vệt dài. Còn bên trong, đồ đạc để la liệt, dọc hành lang lối đi chung và tường xuất hiện nhiều vết phồng rộp, ẩm thấp.
Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hòa) không phải là dự án tái định cư duy nhất đang xuống cấp nghiêm trọng tại Hà Nội. Bởi thời gian qua, cư dân sống tại nhiều dự án tái định cư cũng phản ánh về tình trạng công trình xuống cấp nhưng không có ban quản trị và không có kinh phí tu sửa.
Có thể kể đến như tòa chung cư tái định cư tại Khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), với 10 tòa nhà được đưa vào sử dụng từ năm 2006; Khu tái định cư Đền Lừ III (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai)…
Ngoài ra, khu đô thị thành Phố Giao Lưu (thuộc quận Bắc Từ Liêm) đã được Báo Lao Động phản ánh vào cuối tháng 11.2023 vừa qua, khi sau gần 10 năm sử dụng, nhiều hạng mục tại công trình này đang xuống cấp nhanh chóng, đặc biệt là hệ thống PCCC.
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội vào cuộc
Liên quan đến dự án khu đô thị Thành phố Giao lưu, vào tháng 12.2023, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng một số nhà ở tái định cư đang xuống cấp nghiêm trọng, bảo đảm an toàn.
Theo Bộ Xây dựng, cuối tháng 11 vừa qua, cơ quan báo chí phản ánh dự án tái định cư khu đô thị thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) với 3 tòa nhà CT1 A, B và C được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay, hàng loạt hạng mục như tường nhà, hầm để xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy đều cho thấy dấu hiệu xuống cấp.
Hệ thống thoát nước, đường ống dẫn nước cứu hỏa tại chung cư cũng bị rò rỉ dưới các tầng hầm nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục triệt để.
Do vậy, cư dân tại dự án tái định cư khu đô thị Thành phố Giao lưu phải tự sử dụng các biện pháp thô sơ nhất để trám vá các vị trí hư hỏng như dùng túi nilon, miếng xốp rồi dùng xô, chậu để hứng nước bị dột từ đường ống.
Cùng với đó, một số nhà ở tái định cư khác sau nhiều năm đưa vào vận hành cũng đã xuống cấp như nhà G5 và nhà A26 phường Đại Kim (Quận Hoàng Mai).
Để bảo đảm quyền và lợi ích của cư dân sống trong khu nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và xử lý trên theo thẩm quyền.
Người dân sống tại các khu tái định cư này mong muốn, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống, an cư.
Trước đó, tháng 6.2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư.
Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho cư dân, đơn vị này yêu cầu các đơn vị quản lý nhà tái định cư hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị nhà tái định cư phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai công tác bảo trì, sửa chữa phần sở hữu chung.